Cuộc chiến truyền thông bên lề Hội nghị BRICS

15/10/2016 19:01 GMT+7

Truyền thông phương Tây nghi ngờ khả năng thành công và sự gắn kết của các nước trong khối BRICS, trong khi báo Trung Quốc bác bỏ điều này.

Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS lần thứ 8 diễn ra ở tiểu bang Goa (Ấn Độ) đã bắt đầu từ ngày 15.10. Đây là hội nghị quan trọng, thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế với trục ba nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Phương Tây hoài nghi

BRICS là chữ viết tắt theo tên của 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – thành viên gia nhập sau cùng. Đây là những nước có nhiều điểm chung về dân số đông, kinh tế phát triển và có tiềm năng phát triển lớn.

Sự thành lập của BRICS ngay từ ban đầu đã được xem là cách nhóm các nước này muốn cân bằng lợi ích và ảnh hưởng với các tổ chức lớn do Mỹ và châu Âu dẫn đầu. Lấy ví dụ dự án Ngân hàng phát triển mới (NDB) là một đối trọng cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Mặc dù vậy, báo chí phương Tây có vẻ khá dè dặt về tương lai phát triển của BRICS, nhất là khi nhóm này còn tồn tại nhiều sự khác biệt về ưu tiên phát triển, cũng như một số khúc mắc về quân sự - ngoại giao.

Hãng tin AP ngày 15.10 có bài viết cho rằng các thành viên BRICS đều phải đối mặt với những thách thức của riêng mình trong một hội nghị chung như ở Goa. Bài viết nêu lên những khó khăn kinh tế mà cả Trung Quốc, Nga và Brazil đều đang gặp phải.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ký hàng loạt thỏa thuận song phương tại Hội nghị BRICS ngày 15.10 Reuters

Nga và Brazil đều là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng giá dầu từ năm 2014 đến nay. Trong khi đó, kinh tế Nga cũng gặp thêm trở ngại vì bị phương Tây cấm vận liên quan tới các vấn đề chính trị, còn Brazil trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước liên quan tới cựu tổng thống Dilma Rousseff.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực chất đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua. Ấn Độ đang bùng nổ kinh tế, song lại vướng mắc ở sự phát triển không đồng đều vì hơn một nửa dân số 1,3 tỉ người của họ vẫn thuộc diện nghèo đói. Nam Phi lại gặp rắc rối ở các cáo buộc gian lận tiền tệ, mức tín dụng tụt thấp gần chạm mức “rác”, trong khi tỉ lệ thất nghiệp lên đến 23%.

Về mặt quan hệ, khối BRICS cũng tồn tại một số trắc trở. Nga được cho đang tìm đến Trung Quốc và Ấn Độ như cách thoát khỏi ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của phương Tây, nhưng bản thân Ấn Độ lại khiến Nga khó xử vì biểu hiện thắt chặt quan hệ với Mỹ - nước đang có bất đồng lớn với Nga. Ngược lại, phía Ấn Độ không hài lòng với cuộc tập trận của Nga và Pakistan.

Báo Trung Quốc phản ứng

Phương Tây nghi ngại về khả năng phát triển của BRICS, đặt ra khó khăn và một phần là “ý đồ” của các nước này trong việc hợp tác đằng sau những lợi ích ngoại giao. Và gần như cùng lúc, truyền thông Trung Quốc đã có phản ứng.

Báo Đức Deutsche Welle (DW) ngày 14.10 cũng có bài bình luận hoài nghi về sự gắn kết giữa các thành viên BRICS. Bài này nhắc lại việc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs năm 2015 đã đóng cửa quỹ đầu tư vào BRICS (khái niệm BRICS cũng do chính Goldman Sachs đặt ra), là minh chứng cho thấy sức hút của khối này đã giảm đáng kể.

Ngoài ra, DW khẳng định cái gọi là “tình anh em” của khối BRICS là huyễn hoặc. Trên thực tế, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với riêng Mỹ đã cao hơn giữa Trung Quốc với 4 thành viên “anh em” còn lại. Trong năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là 482 tỉ USD, gấp đôi so với con số tương tự giữa Trung Quốc và khối BRICS (244 tỉ USD). Thêm vào đó, Brazil cũng cho rằng các “anh em” BRICS đã không hỗ trợ họ để có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trước những ý kiến này, truyền thông Trung Quốc đã xuất hiện phản ứng chỉ trích thái độ của báo chí phương Tây trong việc đưa tin không hay về BRICS. Hôm 15.10, hãng tin PTI của Ấn Độ dẫn bài bình luận của Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc) khẳng định “những giọng điệu xấu xa từ phương Tây sẽ không gây tổn hại tới BRICS”.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc). Báo Hoàn cầu cho rằng phương Tây luôn vô cớ lo ngại về sự hợp tác bình thường giữa các quốc gia khác Reuters

“Trung Quốc và Ấn Độ tồn tại những tranh chấp lãnh thổ, nhưng bất hòa về lãnh thổ giữa hai nước đa phần bị những người mang ý đồ xấu thổi phồng... Quan hệ hợp tác là quy chuẩn, và những bất đồng là chuyện tự nhiên”, báo Hoàn cầu viết.

Tờ báo Trung Quốc cũng trách dư luận phương Tây quá ám ảnh với tâm lý hẹp hòi của chủ nghĩa “zero-sum”, tức một bên lợi thì bên kia chịu thiệt, và khẳng định phương Tây sai lầm khi cứ thấy ai khác hợp tác ngoài họ thì cho là mang ý định chống lại mình. Hoàn cầu nói rằng quan hệ các nước ở thế kỷ 21 đa dạng và chồng chéo nhau chứ không xung khắc nhau, và lối nghĩ cho rằng BRICS lập ra để chống lại nhóm G7 là sai lầm, gây hiểu nhầm, tạo ra căng thẳng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.