Cuộc chiến với Bitcoin của Trung Quốc đến hồi gay cấn

08/07/2021 15:26 GMT+7

Chính phủ Trung Quốc dường như đang làm mọi thứ có thể để các loại tiền điện tử biến mất khỏi hệ thống tài chính và kinh tế của nước này.

Theo CNBC, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 6.7 cho biết đã ra lệnh đóng cửa một công ty “bị nghi ngờ cung cấp dịch vụ phần mềm cho các giao dịch tiền điện tử”. Tuyên bố do văn phòng PBOC tại Bắc Kinh đưa ra cũng cảnh báo các tổ chức không được cung cấp dịch vụ khác liên quan đến tiền điện tử, bao gồm cả việc cung cấp mặt bằng kinh doanh hoặc tiếp thị.
Chống lại tiền điện tử không phải là điều gì mới mẻ đối với Trung Quốc vì trong nhiều năm qua họ đã phát đi tín hiệu muốn cấm Bitcoin. Năm 2013, nước này ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba ngừng sử dụng Bitcoin. Năm 2017, Bắc Kinh cấm hoạt động huy động vốn bằng tiền điện tử (ICO). Năm 2019, các cơ quan chức năng đại lục cam kết sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền điện tử.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy, trong quá khứ Trung Quốc thường không tấn công dồn dập và quá mạnh tay vào ngành công nghiệp tiền điện tử. Nhưng lần này có vẻ mọi chuyện đã khác. Tháng 5.2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ đàn áp hoạt động giao dịch và khai thác Bitcoin để ngăn chặn rủi ro tài chính. Tháng 6.2021, đã có những vụ bắt giữ hàng loạt ở đại lục đối với những người bị nghi ngờ sử dụng tiền điện tử bất hợp pháp. Cùng tháng đó, giới quản lý đã gây áp lực lên các ngân hàng và doanh nghiệp thanh toán để buộc họ ngừng cung cấp dịch vụ tiền điện tử. Được biết, Weibo đã đình chỉ các tài khoản thanh toán liên quan đến tiền điện tử. Thị trường tiền điện tử thế giới cũng không tránh khỏi việc bị rung chuyển bởi lệnh đàn áp từ Bắc Kinh.

Bitcoin lại rớt giá sau khi Trung Quốc kiểm soát chặt

Tại sao lại là bây giờ?

Có một câu hỏi được đặt ra gần đây là tại sao Trung Quốc lại tuyên chiến với tiền điện tử vào năm 2021? “Tất cả chúng tôi đều đang tự hỏi. Có một giả thuyết cho rằng hành động đó là một phần của quá trình thúc đẩy pháp luật và trật tự rộng lớn trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay. Họ đang ngăn chặn tất cả các loại hành vi không mong muốn. Ở đại lục, tiền điện tử từ lâu bị đánh đồng với tội phạm”, Nic Carter, đối tác sáng lập của Castle Island Ventures, nói.
Trong khi đó, một giả thuyết khác cho rằng Trung Quốc đang dọn đường cho nhân dân tệ kỹ thuật số của riêng mình, một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đã được phát triển từ năm 2014.
“Một phần trong việc đàn áp tiền điện tử là để đảm bảo việc chấp nhận tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc và khả năng giám sát tài chính có thể bao quát tất cả hoạt động kinh tế”, theo ông Fred Thiel, Giám đốc điều hành Marathon Digital Holdings và là thành viên của Hội đồng Khai thác Bitcoin (Bitcoin Mining Council).
Về mặt lý thuyết, nhân dân tệ kỹ thuật số có thể cho phép chính phủ có nhiều quyền lực hơn trong việc theo dõi chi tiêu theo thời gian thực. Tuy nhiên, ông Carter cho rằng Bitcoin và nhân dân tệ kỹ thuật số khác nhau đến mức không thể thực sự xem chúng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. “Đó chắc chắn là lý do được trích dẫn phổ biến nhất. Nhưng tôi không biết liệu tôi có tin được hay không. Chúng là những hệ thống hoàn toàn khác biệt nhau”, theo Carter, động cơ có khả năng cao nhất là Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn dòng vốn chảy ra thông qua tiền điện tử và stablecoin (tài sản kỹ thuật số được thiết kế để mô phỏng giá trị của các đồng tiền fiat như đồng USD hoặc đồng euro).

Thị trường dần quen với các cuộc đàn áp

Khi nói đến giá Bitcoin, ông Carter cho biết “tin tốt là khi cuộc đàn áp gia tăng, Bitcoin vẫn khá ổn định. Điều này cho thấy thị trường đã dần tiêu hóa việc đàn áp”.
Trong khi đó, ông Thiel tin rằng việc cấm Bitcoin và tiền điện tử sẽ thực sự giúp ích cho Bitcoin trong dài hạn. “Nếu mục tiêu của Trung Quốc là tiêu diệt Bitcoin bằng cách đóng cửa 50% công suất khai thác và cấm giao dịch để làm giảm giá trị của nó, thì điều đó không hiệu quả. Bitcoin đã chứng minh khả năng phục hồi của nó và các giao dịch chỉ đơn giản là di chuyển ra nước ngoài. Sẽ có những người khai thác ở các nơi khác tiếp nhận và giải quyết sự trì trệ”.

Internet chập chờn, El Salvador vẫn tham vọng lớn với bitcoin

Alyse Killeen, người sáng lập, đối tác quản lý của công ty liên doanh tập trung vào Bitcoin Stillmark, cho rằng khả năng của chính phủ trong việc thực hiện lệnh cấm Bitcoin sẽ bị xói mòn theo thời gian. “Tôi hy vọng loại tin tức này sẽ ít tác động đến tỷ giá hối đoái của Bitcoin hơn so với trước đây. Cũng đúng là đã có một số cấp độ trong ngành bị ảnh hưởng bởi thông tin về các cuộc đàn áp. Bitcoin đã bị cấm nhiều lần ở nhiều khu vực địa lý, nhưng hiện nay việc áp dụng nó đang vượt xa việc áp dụng internet ở giai đoạn vòng đời tương tự”, Killeen nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.