Chồng mất, con dâu bỗng dưng thành người dưng, bị “đuổi” khỏi căn nhà từng là tổ ấm của mình. Từ đây, bắt đầu một “cuộc chiến” giữa con dâu và nhà chồng mà dù thắng hay thua cả hai bên đều bị mất mát, tổn thương
Tòa tuyên bố chiều sẽ tuyên án, chị lủi thủi ra ghế đá trước sân tòa ngồi, vẻ mặt đầy mệt mỏi pha lẫn ưu tư. Cười nhẹ khi tôi bắt chuyện, chị nói: “Quả thật, tôi cũng đã kiệt sức rồi. Phải đi đến nước kiện tụng như vầy là chuyện vạn bất đắc dĩ mà thôi, có ai muốn vậy đâu?...’’.
Câu chuyện về cuộc đời chị và lý do khiến chị trở thành nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp thừa kế được mở ra trong nhiều tiếng thở dài của chị và của cả chúng tôi.
Trở thành người dưng
Vợ chồng chị sống chung từ năm 1997 nhưng 2 năm sau mới làm đăng ký kết hôn vì gia đình anh chê chị nghèo. Anh là người xông xáo, chịu thương chịu khó nên tạo được cơ ngơi khá vững vàng: nhà cửa, ô tô, vài ngàn cổ phiếu ở một công ty tên tuổi… Nhưng anh cũng là người rất có hiếu với gia đình mình và có phần khó tính với gia đình vợ.
Cũng vì vậy mà người thân của chị thỉnh thoảng ghé thăm nhưng không ở lại nhà của vợ chồng chị. Không muốn gia đình chồng coi mình là “kẻ ăn bám”, bằng vốn kiến thức có được, chị đi làm ở một công ty khác, đồng lương không nhiều nhưng cũng đủ nuôi sống bản thân mình.
Năm 2010, anh bị ung thư phổi và vài tháng sau thì qua đời. Kể từ đó, cuộc sống của chị bắt đầu những ngày tháng ăn không ngon, ngủ không yên khi gia đình chồng tỏ thái độ khó chịu thậm chí dằn hắt, xua đuổi.
Đến 49 ngày của anh, chị đi xe máy về quê chồng, người nhà chồng nói thẳng: “Chồng chết rồi, con dâu cũng thành người dưng thôi’’. Vừa mất chồng lại nghe câu nói đó, chị thật sự sốc. Càng sốc hơn khi các em chồng lấy cớ “bảo vệ” tài sản của chồng chị đã dọn đến ở hẳn, làm chủ căn nhà của vợ chồng chị. Họ nói trước khi chết, chồng chị để lại di chúc căn nhà (được mua vào năm 1998, trước khi chị và anh chính thức đăng ký kết hôn), tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của con trai chị (7 tuổi) và người em chồng được giao quyền quản lý căn nhà cho đến khi con trai chị đủ 18 tuổi.
Cũng vì vậy mà ô tô, xe máy, công ty của chồng chị… họ đều tiếp quản. Sống trong căn nhà của mình nhưng chị luôn bất an, lo lắng trước những lời đe dọa bóng gió của nhà chồng.
Có lần thương con gái vừa góa bụa, mẹ chị vào thăm, ở lại một - hai hôm đã bị họ nói thẳng: “Ngày trước sao, bây giờ vậy, đừng có đến ở lại trong nhà này, cũng đừng lợi dụng mà xin xỏ này nọ’’. Mẹ chị nuốt nước mắt, vội vã thu dọn về quê. Cuối cùng, không chịu đựng nổi, chị dọn ra ngoài thuê nhà sống cùng con trai đồng thời khởi kiện ra tòa yêu cầu em chồng ra khỏi nhà.
“May mà tôi có công ăn việc làm nên mới có thể lo cho cuộc sống của hai mẹ con. Nếu ngày trước tôi chỉ sống phụ thuộc vào chồng thì không biết bây giờ hai mẹ con sẽ ra sao?’’, chị lắc đầu như cố xua đi những điều không tốt đẹp.
Hỏi chị có trách chồng khi di chúc của anh chỉ dành tài sản cho gia đình mình và con trai, chị thở dài: “Tôi vốn suy nghĩ đơn giản nên không lường hết những phức tạp của cuộc đời. Lúc chồng bệnh chỉ chăm chăm lo làm sao để chồng khỏi bệnh, để con còn có cha, thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện tài sản. Cho đến khi anh ấy mất, gia đình anh ấy đưa ra tờ di chúc, tôi mới biết… Thấy mẹ con tôi quá khổ sở, người bạn thân làm chung chỉ tôi kiện ra tòa. Họ đe dọa đủ thứ… Cũng trầy vi tróc vảy lắm…’’.
Tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn
Xét xử sơ thẩm, TAND quận Phú Nhuận - TPHCM chấp nhận đơn khởi kiện của chị, tuyên buộc hai người em chồng ra khỏi nhà. Họ kháng cáo lên cấp phúc thẩm xin ở lại nhà với lý do sống cùng nhà để có thể gần gũi, chăm sóc cháu; nếu bây giờ ra khỏi nhà, tình cảm của cháu với bên nội sẽ mất đi. Vả lại, họ không tranh chấp gì quyền thừa kế di sản, họ chỉ quản lý tài sản theo di chúc của người đã mất và sẽ giao lại cho cháu khi tròn 18 tuổi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, mặc dù vị chủ tọa cố gắng hòa giải nhưng những người em chồng của chị vẫn khăng khăng chị có ý đồ chiếm đoạt nhà, tài sản; phần chị khẳng định không ngăn cản quyền được thăm nom cháu nhưng vẫn cương quyết không đồng ý để em chồng sống cùng nhà vì đã quá sợ những ngày tháng luôn sống trong căng thẳng vì bị làm khó, bị đe dọa.
Tòa nhận định mặc dù những người em chồng có quyền quản lý nhà cho đến khi cháu bé 18 tuổi (theo di chúc) nhưng cháu bé mới 7 tuổi, chị là mẹ, đại diện pháp luật cho cháu. Cháu bé là chủ sở hữu nhà, có quyền chiếm hữu, sử dụng, bán, cho thuê, cho ở nhờ…, người mẹ cũng có quyền chiếm hữu, định đoạt cho ai ở nhờ… Vì vậy, giữ nguyên án sơ thẩm, buộc những người em chồng phải rời khỏi căn nhà. Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc những người em chồng trả lại ô tô, xe máy, cổ phiếu…
Thắng kiện nhưng chị vẫn không thể nở nụ cười bởi phía trước còn muôn vàn khó khăn. “Tôi đi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình và con nhưng liệu tòa tuyên rồi, họ có thi hành bản án và mẹ con tôi có dám về đó ở hay không? Con tôi mất cha, rất cần tình yêu thương của gia đình bên nội, tôi cũng sẽ cố gắng để cháu có được điều ấy. Nhưng với tình trạng căng thẳng như bây giờ thì…’’ - chị bỏ lửng câu nói, chuẩn bị ra về để kịp giờ đón con.
Trước cửa phòng xử, những người em chồng lại dành cho chị những cái nhìn hậm hực, những lời nói không mấy dễ nghe. Xem ra “cuộc chiến” này vẫn chưa thể kết thúc?
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)