Cuộc chiến với rác

29/04/2019 04:55 GMT+7

Việt Nam đã có mặt trong top 4 quốc gia xả rác thải rác nhựa ra biển. Và nếu không làm gì, chuyện sớm leo hạng lên top 2, 3, thậm chí dẫn đầu thế giới chắc chẳng bao lâu nữa.

Thì tiện quá mà, đi chợ mua mấy món thực phẩm cho một bữa cơm thôi đã gom về nhà cả chục túi ni lông, mỗi thứ một chút, mỗi thứ một túi ni lông. Có được mấy người tự ý thức để thốt lên một câu nhắc: không cần bịch đâu chị ơi.
Thì thiếu sao được, đi đâu cũng mua theo chai này chai nọ giải khát, toàn là chai nhựa, rồi xài xong quăng đại tại chỗ, ai dọn thì dọn còn mình cứ mặc thế mà bỏ đi.
Thế rồi rác thải nhựa, túi ni lông bay khắp chốn, lấp mương nghẽn cống, dẫn đến ngập úng trầm trọng. Rồi trước sau gì rác chẳng ra biển.
Các bạn trẻ tình nguyện, công nhân vệ sinh thì hết đợt này đến đợt khác tổ chức dọn rác, nhất là dọn rác cho bãi biển. Mà cứ dọn thế, có dọn mãi được hay không? Chẳng lẽ chúng ta cứ phải chấp nhận cảnh người thì thiếu ý thức xả rác vô tội vạ, cứ tha hồ mà xả rác, còn người có ý thức thì cứ rủ nhau cặm cụi dọn rác.
Dọn thì cần phải dọn, nhưng đó chỉ là chuyện ở đầu ngọn. Còn ở đầu gốc của vấn đề, là phải quản lý và điều chỉnh cho bằng được hành vi của con người.
Là phải giao trách nhiệm quản lý môi trường bãi biển cho chính doanh nghiệp nào kinh doanh tại chỗ. Anh kinh doanh khu vực nào thì có trách nhiệm nhắc nhở, dọn và giữ sạch chí ít là một phạm vi quanh đó. Vi phạm thì cảnh cáo, đình chỉ, rút phép kinh doanh, còn làm tốt thì nên xem xét giảm một phần nghĩa vụ thuế. Đừng chỉ nghĩ đến việc thu tiền của doanh nghiệp qua thuế hay phí bảo vệ môi trường mà không tính đến chuyện dùng chính sách để khích lệ họ thực hành những điều tốt đẹp cho môi trường.
Là giao trách nhiệm công ty lữ hành thực hiện quy định “đem đi - đem về”, nghĩa là du khách phải có trách nhiệm đem rác về mỗi khi đi du lịch, đặc biệt là biển đảo.
Là phải yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại mở điểm thu hồi vỏ chai nhựa, tích điểm thưởng cho khách hàng. Việc này được nhiều nước làm rất lâu rồi, bằng hệ thống máy thu hồi vỏ lon, chai tự động đặt ở siêu thị. Là khích lệ việc mua bán hạn chế dùng túi ni lông, quy định số bao ni lông được sử dụng cho khách theo giá trị đơn hàng, không được tùy tiện.
Phải nhiều sáng kiến về chính sách, phải nhiều quyết tâm về hành pháp hơn nữa, may chăng mới được. Vẫn biết là không dễ, vẫn biết là sẽ có những bất tiện, nhưng đều là những điều nằm trong khả năng thực hành của mỗi người. Bài học người dân Cù Lao Chàm (Quảng Nam) quyết tâm nói không với bao ni lông hơn 10 năm nay sao không thể là bài học chung của trước hết là với những hòn đảo khác: Lý Sơn, Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc... để lan dần ra cả nước.
Chính quyền không quyết tâm bằng chính sách thì làm sao dẫn dắt được người dân trong chuyện này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.