Với Cánh buồm nâu của Nguyễn Bính thì: “Hôm nay dưới bến xuôi đò/Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/Anh đi đấy, anh về đâu?Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...”. Còn Bùi Giáng với Mắt buồn, thi sĩ lại nhận ra: “Bỏ trăng gió lại cho đời/Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa/Bỏ người yêu bỏ bóng ma/Bỏ hình hài của tiên nga trên trời/Bây giờ riêng đối diện tôi/Còn hai con mắt khóc người một con”.
Và, cho đến hai thập niên đầu của thế kỷ 21 này, thi ca đương đại vừa đón nhận một trường hợp “lên đồng” mới với thơ lục bát của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành (cựu học viên Trường viết văn Nguyễn Du, thành danh với truyện ngắn và tiểu thuyết). Chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 1 năm), anh đã viết và in 3 tập thơ (ảnh): 36 bài thơ lục bát với một chủ đề Giấc mơ sông Thương, 36 bài thơ cùng chủ đề Chiều và 36 bài thơ cùng chủ đề Chân quê. Đây là một cuộc chơi ngôn ngữ “nghệ thuật vị nghệ thuật” chăng, khi tác giả tự tin viết tới 36 bài lục bát đánh số từ 1 tới 36 cùng một tứ thơ? Phải là một thi sĩ thật tài hoa và là cây viết có nghề mới dám viết như “lên đồng” theo kiểu như vậy.
Mở đầu bài Chân quê 1, anh dự cảm: “Thơm lên/một mảnh hồn quê/một manh áo/giắt cỏ thề, tóc mây/Tôi về/lay thức bàn tay/bàn tay xua những ngón gầy đi hoang”. Còn ở bài Chân quê 32, anh chợt thao thức: “Rét về/đã chạm cửa sông/buồn lên tê tái/trên ngồng cội quê/Mắt môi/ sao chẳng thấy về/Mùa tôi xơ xác/Đồng đê khóc vừa”. Thơ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành không trình diễn kiểu trên 6 dưới 8, anh ngắt nhịp theo từng cụm câu như cách trình hiện của thơ tự do. Vì thế, không gian thơ, âm điệu mở rộng hơn so với lục bát truyền thống.
Ở Giấc mơ sông Thương 14 anh khắc họa: “Chiều đi/ai thả đầy trời/Một đàn nắng đói/bời bời sông Thương/Một tiếng cuốc lẻ chán chường/Một đóa thoi thóp/cuối đường cỏ hoa...”. Sau chót, ở Giấc mơ sông Thương 34, anh thưa gửi: “Mẹ nằm/Bụt khóc cửa đền/Cội đa/xóa rễ trắng miền hoa ngâu/Sông Thương/nước chảy rầu rầu/Mẹ ơi/Xin cố nửa câu gọi đò...”.
Trong số 108 bài lục bát, có khá nhiều bài, nhiều câu thơ Phúc Thành viết trong trường cảm xúc mộng mị đến ma mị theo kiểu xuất thần từ cõi vô thức. Và trong thi điệu mộng du ấy, từng con chữ ám ảnh ngay chính người viết như thể những câu thơ ấy vọng lên từ cõi bí ẩn nào đấy trong tâm hồn một thi sĩ đang trong cơn mê sảng lên đồng của thi ca trầm tưởng.
Bình luận (0)