Cuộc đời đầy sóng gió của nữ văn sĩ Quỳnh Dao

04/12/2024 16:55 GMT+7

Tin nữ văn sĩ Quỳnh Dao giã từ cõi tạm khiến nhiều độc giả bất ngờ. Bà qua đời ở tuổi 86 tại nhà riêng tại Tân Bắc (Đài Loan) vào chiều ngày 4.12, nghi do tự tử.

Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh ngày 20.4.1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bà có 1 người em trai song sinh và 2 người em nữa (1 trai, 1 gái). Trong đó, em gái Trần Cẩm Xuân là tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân Đại học Wisconsin (Mỹ). Lúc nhỏ thành tích học tập của Quỳnh Dao không bằng em gái khiến bà rất tự ti, mãi đến khi tốt nghiệp trung học và trở thành nhà văn nổi tiếng, bà mới có lòng tin vào bản thân.

Mối tình đầu trái ngang

Tác giả của hàng loạt tiểu thuyết được chuyển thể thành phim kinh điển như: Hoàn Châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Xóm vắng, Hải Âu phi xứ... để lại thư cho con trai trước khi qua đời.

Cuộc đời đầy sóng gió của nữ văn sĩ Quỳnh Dao- Ảnh 1.

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao qua đời chiều ngày 4.12

ẢNH: SINA

Năm 1949, Quỳnh Dao theo cha mẹ di cư tới Đài Loan, đến năm 1958 mới có dịp trở về Bắc Kinh gặp lại những người thân.

Thời đi học, Quỳnh Dao từng là một thiếu nữ nổi loạn, không chịu học hành, ngoại trừ môn văn, đồng thời thường xuyên có những ý tưởng, lý luận bất thường.

Là người đa sầu đa cảm, mê đắm văn chương và có trí tưởng tượng khác thường, Quỳnh Dao từng được bạn bè trung học gọi bằng biệt danh Lâm Đại Ngọc (nhân vật chính trong Hồng Lâu Mộng) vì lúc nào trông bà cũng phảng phất nỗi buồn, tâm tình đa sầu đa cảm.

Bà trải qua 2 lần thi đại học nhưng không thành công. Đây là vết thương lòng của Quỳnh Dao. Chính vì sự thất bại đó nên bà chuyên tâm vào việc sáng tác.

'Bà hoàng tiểu thuyết diễm tình' Quỳnh Dao qua đời, từng dặn dò con một điều

Thời gian đó Quỳnh Dao bắt đầu yêu. Mối tình đầu của bà để lại nhiều dấu ấn với không ít ngang trái vì người bà đem lòng si mê là thầy giáo dạy văn góa vợ, hơn mình tới 25 tuổi. Mối quan hệ này bị dư luận thời đó cho là là sai trái nên họ chỉ có thể yêu nhau trong âm thầm.

Sau này, vì tình mà Quỳnh Dao xao lãng chuyện học. Sau khi trượt đại học, gia đình phát hiện chuyện hẹn hò của bà và ngăn cấm kịch liệt. Thầy (tên Tưởng Nhân) bị đuổi việc vì chuyện yêu đương học sinh. Cú sốc đầu đời này khiến bà không chịu đựng được, thậm chí đã tìm cách tự vẫn để phản kháng. May mắn là sau đó bà được người nhà phát hiện kịp thời. Bà quyết định từ bỏ con đường học hành và chuyên tâm cho việc sáng tác.

Năm 1959, bà lập gia đình khi mới 21 tuổi với Mã Sâm Khánh và có một con trai. Cuộc hôn nhân của bà tan vỡ 5 năm sau đó. Năm 1979, bà kết hôn lần hai với ông Bình Hâm Đào - từng là Tổng biên tập tạp chí Hoàng Quán.

Được chồng hỗ trợ

Từ năm 16 tuổi, bà viết bộ tiểu thuyết đầu tay Vân ảnh. Năm 24 tuổi, bà viết gần 100 tập truyện ngắn, 2 bộ tiểu thuyết Tầm mộng việnHạnh vân thảo. Năm 1963, tác phẩm Song ngoại được phát hành rộng rãi, đánh dấu bước khởi nghiệp của bà. Đến nay bà đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh.

Cuộc đời đầy sóng gió của nữ văn sĩ Quỳnh Dao- Ảnh 2.

Năm 1979, sau 16 năm chung sống trong bóng tối, Quỳnh Dao (khi đó 41 tuổi) kết hôn với Bình Hâm Đào (52 tuổi)

ẢNH: SOHU

Nhưng để có thể trở nên nổi tiếng, Quỳnh Dao phải cần đến sự trợ giúp. Bình Hâm Đào là người góp sức chắp cánh cho sự nghiệp văn chương của bà vì khi ấy ông là một tổng biên tập, thường xuyên đăng truyện bà viết.

Giữa 2 người dần nảy sinh tình cảm dù Bình Hâm Đào đã có vợ con. Sau này bà Lâm Uyển Trân - chính thất của ông đã phát hành một cuốn sách để kể lại việc Quỳnh Dao đã phá hoại hạnh phúc gia đình bà như thế nào.

Năm 1979, sau 16 năm chung sống trong bóng tối, Quỳnh Dao (khi đó 41 tuổi) kết hôn với Bình Hâm Đào (52 tuổi). Năm 2019, người bạn đời Bình Hâm Đào đã từ biệt bà sau 40 năm chung sống.

Năm 2018, ở vào tuổi 80, Quỳnh Dao công khai một bức thư dặn dò người thân, trong đó, bà ghi rõ dù có bệnh tật nghiêm trọng cũng không được làm phẫu thuật, không đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, không sử dụng ống thở hỗ trợ, không miễn cưỡng áp dụng các biện pháp cấp cứu, chỉ cần để bà ra đi một cách không đau đớn là được.

Bên cạnh đó, Quỳnh Dao cũng nói rõ bà mong muốn tang lễ của mình diễn ra đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ, không đốt vàng mã, không lập linh vị, không cần cúng bái vào ngày giỗ, tiết Thanh minh…

Năm 2020, Quỳnh Dao tuyên bố không sử dụng mạng xã hội vì nhận ra "những năng lượng tiêu cực". Những năm tháng cuối đời bà sống lặng lẽ một mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.