Cuộc đời kỳ lạ của một người Nga tại Việt Nam - Kỳ 2: Chơi với... tử tù

08/01/2007 23:45 GMT+7

Tôi có người bạn, cũng giống như Slava, tỏ ra tâm đắc câu nói của Thành Cát Tư Hãn "Sợ thì đừng có làm, làm thì đừng có sợ. Sợ thì chết", nhưng anh này lại chêm thêm vào một đoạn "Mà không sợ thì chết còn thê thảm hơn!". Không biết trong thực tế, tỷ lệ đúng sai của câu thêm vào này như thế nào, chứ riêng trong trường hợp Slava, tôi thấy... không sai!

Từ Hải Phòng, năm 1984 Slava được điều động vào Tổng lãnh sự quán Liên Xô tại TP.HCM và chức vụ cao nhất của anh tại đây là Lãnh sự, Bí thư thứ nhất. Tại TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận, Slava có nhiều hoạt động tập thể lẫn cá nhân, góp một phần trong việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị Xô-Việt.

Trong một số tấm hình cũ còn giữ anh đưa xem, tôi thấy anh được lãnh đạo tỉnh Phú Khánh, Bến Tre tặng kỷ niệm chương, huy chương hữu nghị. Tại TP.HCM, những ai từng đi học ở Liên Xô đều biết anh. Đến năm 1988, công việc đang thuận buồm xuôi gió, không biết duyên cớ nào anh lại bỏ về Moscow, vào làm cho Viện Phương Đông thuộc Học viện Hàn lâm Liên Xô. Tại đây, Slava được UNESCO yêu cầu làm cố vấn cho một bộ phim tài liệu về Bác Hồ do Hãng phim tài liệu Liên Xô và Xưởng phim Hà Nội hợp tác sản xuất.

Năm 1989, từ một nhà ngoại giao lão luyện và được tiếng... lỳ đòn, Slava đột ngột chuyển sang làm nhà kinh doanh. 3 năm sau anh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Công ty Atisco ở Moscow. Và cũng từ đây, con người ngoại giao tài ba của Slava chuyển sang trang mới - đen tối và khốn khổ, có thể nói như thế.

Khốn khổ nhất là từ khi quen biết, sau đó hợp tác làm ăn với L.M.H - một đại gia từng gây ra nhiều điều tai tiếng từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Tất nhiên, lúc mới quen Slava chưa thể biết được L.M.H rồi sẽ đi đến kết cục như thế. Đại diện cho Công ty Atisco Ltd., Slava đã đưa 5 chiếc tàu có tổng trị giá 2,6 triệu USD, gồm 4 chiếc tàu cánh ngầm và 1 chiếc chạy bằng đệm không khí vào liên doanh với Công ty VIMSAIGON do L.M.H làm tổng giám đốc. Theo lời của Slava thì VIMSAIGON chịu trách nhiệm góp 25% trong tổng số tài sản nói trên. Hợp đồng đã ký, nhưng chưa kịp thực hiện cam kết thì VIMSAIGON giải thể do làm ăn thất bại; L.M.H chuyển sang làm Giám đốc Công ty Dolphin và không lâu sau đó trở thành bị cáo và bị kết án tử hình trong vụ án Tamexco (sau đó được ân xá xuống thành tù có thời hạn).


Slava kể chuyện liên doanh 5 chiếc tàu cánh ngầm với L.M.H - Ảnh: N.T

Khi L.M.H bị bắt, Slava trở thành... "người liên quan" của vụ án. Lúc này Slava mới biết rằng 2 trong số 5 chiếc tàu đưa vào liên doanh đã bị L.M.H đem thế chấp ngân hàng. Slava cho biết, lúc đó anh đã làm hàng... ký đơn khiếu nại cho rằng L.M.H mạo chữ ký của anh cùng với chữ ký của L.M.H để thế chấp tàu. Mặc dù vậy anh vẫn sẵn sàng nộp thay cho L.M.H 25% số vốn góp để được lấy tàu ra hoạt động. Nhưng phía ngân hàng và cơ quan điều tra không chấp nhận. Rất nhiều văn bản của Tổng lãnh sự quán Liên Xô tại TP.HCM gửi đến tòa, kiến nghị tòa án xem xét khiếu nại hợp pháp của Slava, đề nghị được giám định chữ ký của anh trong văn bản thế chấp, nhưng cũng không xong.

Câu chuyện Slava nói với tôi xảy ra đã 12 năm, hy vọng vớt vát lại tài sản gần như là chuyện... không thể. 2 chiếc tàu bị kê biên không chạy, thiệt hại tính ra hàng chục ngàn USD mỗi ngày. Sợ tàu xuống cấp Slava kêu thêm hai "đệ tử" là thủy thủ tàu, khăn gói xuống tàu đang bị giam ngoài Thủ Đức để chăm sóc cho nó. Cả ba thầy trò mỗi ngày chỉ ăn có 2 USD, hút thuốc lá rẻ tiền; chủ yếu để cầm hơi, chờ đợi một phép mầu từ phiên tòa. Nhưng không có phép mầu nào cả.

Còn các con tàu thì cũng không chống nổi sự bào mòn của thời gian, ngày một tàn tạ, hoen rỉ và cuối cùng trở thành một đống sắt phế thải. 2 chiếc tàu cánh ngầm còn lại bị va đụng trong quá trình hoạt động, hư và xuống cấp không vận hành được nên cũng bị tháo ra... bán sắt vụn. Vậy là Slava trắng tay. Anh bảo, khi còn là nhà ngoại giao, anh to khỏe, nặng đến 78 ký. Cho đến khi các con tàu chỉ còn là cái xác thì thân anh cũng tàn tạ theo, chỉ còn 58 ký.

Oái oăm hơn, vì là người có "liên quan" trong vụ án nên theo luật, Slava bị cấm xuất cảnh khỏi VN. Trò chuyện với chúng tôi Slava nói cho đến giờ này anh cũng không biết cái lệnh cấm đó đã được "xả" hay chưa? Nhìn Slava thiểu não vì còn tiếc 5 chiếc tàu cánh ngầm dạo nào, tôi đùa: "Bây giờ thì anh đã sợ chưa?". Đang buồn, vậy mà Slava bỗng cười to: "Không! Sợ là chết".

Anh kể tiếp một chuyện vui, rằng cách đây 2 năm anh đánh liều về Nga thăm ba anh vì ông bị bệnh sắp chết. Đến cửa khẩu sân bay làm thủ tục kiểm tra hộ chiếu, mấy cô nhân viên đang ngồi xem hình trong một tạp chí điện ảnh, thấy anh giống người trong hình nên hỏi. Sau khi biết chắc anh là "đại tá CIA" đóng trong phim Đất và lửa, các cô chỉ kiểm tra hộ chiếu anh diễn viên qua loa, rồi cho anh lên máy bay về Nga.

Về chuyến xuất cảnh... trái phép này, Slava nói với tôi, nếu anh thật sự có "liên quan" gì trong vụ án để bị cấm xuất cảnh thì anh đã đi luôn. Nhưng không, anh đã trở lại, tiếp tục sống theo cách của mình. Hơn 30 năm vui buồn trên suốt chiều dài đất nước VN, anh vẫn sống vậy, như thể trên đời này không có gì khuất phục được con người đa tài, khốn khổ và rất kỳ lạ này. (Còn tiếp)

N.T - H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.