"Trong 15 năm qua, tôi đã phải sống ẩn dật đằng sau cái mặt nạ và làm mọi việc như đi mua sắm đều vào ban đêm khi vắng người", Richard Lee Norris nói.
Vào năm 1997, anh Norris (giờ đã 37 tuổi) đã vô tình tự bắn vào mặt mình, khiến anh bị mất mũi, môi và một phần hàm.
|
Vào tháng 3 vừa qua, các bác sĩ tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (Mỹ) đã thực hiện ca cấy ghép mặt lịch sử kéo dài trong 36 giờ cho anh, từ người hiến vô danh (có nội tạng cũng đã cứu sống 5 người khác trong cùng ngày).
"Bây giờ tôi đã có thể đi ra ngoài và không còn phải nhận những cái nhìn hay nghe lời bàn tán của mọi người về mình", Norris nói và thêm rằng "thậm chí tôi có thể đi vượt qua người khác mà không còn e ngại họ chăm chú nhìn tôi thêm một lần nữa".
Theo RIA Novosti, trong tuần này, các bác sĩ đã công bố hình ảnh mới nhất cho thấy sự phục hồi ngạc nhiên của Norris với một khuôn mặt sống động và chỉ có vết sẹo dài dọc theo cổ của anh là dễ nhìn thấy nhất.
Hiện Norris tiếp tục thực hiện các bài vật lý trị liệu và ngôn ngữ để giúp anh khôi phục dần các khả năng cảm nhận mùi vị và nói chuyện. "Mỗi ngày nó cải thiện thêm một chút", Norris nói.
Được biết, cuộc phẫu thuật cấy ghép mặt cho Norris là một trong 22 ca trên toàn thế giới được thực hiện từ năm 2005, riêng tại Mỹ có sáu ca. Ca ghép mặt cho Norris được xem là ca phẫu thuật lịch sử với việc lần đầu tiên gần trọn một khuôn mặt đã được cấy ghép thành công.
Các bác sĩ thực hiện cho biết, ca phẫu thuật của Norris đã thành công vượt mong đợi của họ và điều này đã tăng thêm hy vọng cho những nạn nhân cần cấy ghép mặt trong tương lai.
Tiến Dũng
>> Phẫu thuật ghép toàn bộ gương mặt đầu tiên ở Mỹ
>> Pháp thực hiện ca ghép mặt thứ 3 thế giới
>> Anh cho phép thực hiện ca ghép toàn bộ khuôn mặt đầu tiên trên thế giới
>> Người ghép mặt đầu tiên trên thế giới gần như bình phục hoàn toàn
>> Bệnh nhân ghép mặt đã phục hồi cảm giác
>> Người phụ nữ ghép mặt đã lộ diện
>> Giải phẫu ghép mặt và vấn đề y đức
Bình luận (0)