Cuộc đua huấn luyện cá heo quân sự

02/12/2020 09:00 GMT+7

Nhờ có nhiều ưu điểm mà nhiều phương tiện công nghệ tối tân không thể sánh kịp, nên cá heo được một số quốc gia tổ chức huấn luyện cho mục đích quân sự .

Mở rộng trung tâm huấn luyện cá heo

Phân tích hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia thuộc Học viện Hải quân Mỹ (USNI) phát hiện trung tâm huấn luyện cá heo của CHDCND Triều Tiên tại căn cứ hải quân ở thành phố cảng Nampo, tỉnh Nam Pyongan. Vào năm 2016, trung tâm này chỉ có 2 chuồng nổi nuôi cá heo và đến năm ngoái số lượng được nâng lên tổng cộng là 5 chuồng, theo báo cáo của USNI.
Các chuyên gia của USNI nhận định Triều Tiên có thể đang huấn luyện cá heo để phục vụ lực lượng hải quân. “Cá heo có thể được huấn luyện để thực hiện các cuộc tấn công cảm tử nhắm vào tàu chiến của đối phương. Chương trình huấn luyện cá heo có thể là một phần trong tiến trình hiện đại hóa sâu rộng lực lượng hải quân dưới thời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, theo báo cáo của USNI.
Ngoài ra, Triều Tiên đang huấn luyện cá heo phục vụ khu biểu diễn cá heo ở thủ đô Bình Nhưỡng. “Điều này có thể giúp ích cho công tác huấn luyện cá heo vì mục đích quân sự ở Nampo”, theo USNI.

Vì sao chọn cá heo ?

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết dù thế giới có nhiều công nghệ tiên tiến nhưng chúng vẫn không thể đánh bại khả năng tìm kiếm mọi thứ trong đại dương của cá heo, theo trang National Geographic. Chuyên gia Paul Nachtigall tại Đại học Hawaii (Mỹ) cho biết: “Cá heo mũi chai có khả năng dò tìm thủy lôi tốt hơn bất kỳ cỗ máy nào. Chúng có thể làm nhiệm vụ này nhanh hơn nhiều so với máy móc”.
Bên cạnh đó, cá heo có thể thực hiện nhiệm vụ hiệu quả kể cả khi ở gần bờ, nơi có tiếng sóng và nhiều tàu di chuyển qua lại tạo ra nhiều tiếng ồn. “Cá heo sử dụng sóng âm (sonar) rất tốt. Chúng có thể phát ra hàng loạt sóng âm đến các vật thể trong môi trường xung quanh rồi thu nhận tiếng vang dội ngược lại. Đây được gọi là khả năng định vị sóng âm đặc biệt của cá heo”, ông Nachtigall lưu ý.
Cuộc đua huấn luyện cá heo quân sự1

Cá heo trong một cuộc huấn luyện định vị vật thể dưới biển

ẢNH: HẢI QUÂN MỸ

Nhiều nước tiến hành

Nếu báo cáo của USNI là chính xác thì Triều Tiên đang tham gia vào cuộc đua huấn luyện cá heo quân sự trên thế giới, bao gồm Mỹ và Nga. Mỹ được đánh giá là đi tiên phong trong lĩnh vực này, theo trang Popular Mechanics.
Cụ thể, hải quân Mỹ huấn luyện các loài động vật biển có vú như sư tử biển và cá heo mũi chai để tìm kiếm thiết bị thất lạc trên biển, xác định kẻ xâm nhập khu vực cấm. Cá heo còn được dùng để phát hiện thủy lôi chôn dưới đáy biển hoặc trôi nổi trong nước. Hải quân Mỹ cũng huấn luyện loài động vật biển có vú này để thực hiện nhiệm vụ tấn công người nhái (thợ lặn quân sự) của đối phương.

Con cá voi trắng này có phải là gián điệp Nga?

Hải quân Mỹ duy trì trung tâm huấn luyện động vật biển có vú tại TP.San Diego (bang California) kể từ thập niên 1960. Mỹ từng triển khai cá heo và sư tử biển đến vịnh Ba Tư. Theo báo cáo của USNI, cấu trúc chuồng nuôi cá heo của Triều Tiên trông giống như trung tâm huấn luyện ở Mỹ. Hải quân Nga cũng duy trì chương trình huấn luyện cá heo quân sự. Theo USNI, Nga triển khai cá heo đến căn cứ của nước này ở TP.Tartus, Syria để hỗ trợ bảo vệ các tàu chiến đến thăm.
Trong thập niên 1990, chuyên gia Nachtigall tại Đại học Hawaii đã thực hiện thí nghiệm với cá heo mũi chai tên BJ. Ông Nachtigall yêu cầu BJ phân biệt các hình trụ được làm bằng thép không gỉ, đồng thau hoặc nhôm. BJ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và ngay lập tức vùi các khối hình trụ này xuống bùn. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải vì sao cá heo có thể làm được điều này, ông Nachtigall nói. Đây là một chủ đề thu hút sự chú ý của các nhà khoa học quân sự lẫn dân sự trong nhiều thập niên qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.