Covid-19 gióng hồi chuông cảnh báo vấn đề môi trường tại Đông Nam Á

10/10/2020 16:23 GMT+7

Trước tình cảnh thế giới chững lại trước cơn đại dịch, các phóng viên của dự án Reporting ASEAN* đã thực hiện nhiều cuộc trao đổi với những cá nhân từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để lắng nghe không chỉ về những lo lắng và hi vọng, mà cả những thay đổi trong cuộc sống thời Covid-19 của họ.

“Tái thiết lập toàn cầu”, “hành tinh dịch bệnh”, “an ninh sức khỏe” là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại giữa dịch Covid-19, khi ngoài sức khỏe, vấn đề môi trường cũng được quan tâm. Từ Indonesia, Lào, Philippines đến Việt Nam, những người được phỏng vấn chưa biết nên sắp xếp những “mảnh ghép” cuộc sống hậu đại dịch theo trật tự nào. Song, họ nhận thức được vai trò của mình trong quá trình phục hồi sau Covid-19. Họ gọi đại dịch Covid-19 là “hồi chuông cảnh báo” về vấn đề môi trường trong nhiều năm qua.
Khi có thông tin dịch Covid-19 có thể xuất phát từ loài dơi, chị Nguyễn Thị Thu, giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã tận dụng cơ hội này để khuyến cáo người thân ngừng sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Như phần lớn người Việt Nam, đặc biệt là người lớn tuổi, bố mẹ chị Thu từng sử dụng các bài thuốc dân gian như uống và bôi mật gấu để trị đau nhức hay hầm dạ dày nhím nhằm chữa bệnh đau dạ dày.

Nguyễn Thị Thu, giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nhân vật cung cấp

Chị Thu chia sẻ: “Những người buôn bán động vật hoang dã thường lợi dụng nỗi sợ về sức khỏe, đặc biệt nhắm vào người lớn tuổi, nên đã thổi phồng sai chức năng. Từ sau dịch Covid-19, tôi đã tận dụng cơ hội đưa ra thông tin cảnh báo đến gia đình nên tôi tin các cụ sẽ không dùng sản phẩm từ động vật hoang dã nữa.”.
Giải thích phần nào lí do cho việc thay đổi hành vi có phần nhanh chóng này, anh Athena Presto, giảng viên Xã hội học người Philippines, cho rằng mọi người trông đợi vào những giải pháp tức thời trong dịch Covid-19 trước mối hiểm nguy trực tiếp. Còn trái lại, với biến đổi khí hậu, mọi người cảm nhận đây là vấn đề “chung chung, diễn tiến từ từ. Biến đổi khí hậu khó xác định chính xác thiệt hại nhân mạng trong khoảng thời gian cụ thể, mà âm thầm tác động đến nhân loại.”

Sinh hoạt hằng ngày tác động đến môi trường ra sao?

Theo chị Kathleen Limayo, nhà làm phim tài liệu, đồng thời là nhà hoạt động môi trường đang sống tại Manila, Philippines, lựa chọn lối sống của mọi người phản ánh nhu cầu của cộng đồng. “Càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chúng ta càng hợp pháp hóa và khuyến khích khai thác nền công nghiệp mỏ, dẫn đến việc phá hủy trái đất”, chị giải thích.
Bên cạnh đó, chị tiếp tục chỉ ra những hoạt động sinh hoạt tác động đến môi trường: “Khai thác quá mức ngành hàng không sẽ gia tăng lượng carbon. Lượng điện tiêu thụ cũng nói lên nhiều vấn đề, vì điện là sự kết hợp của năng lượng bẩn, khí hydro và gió, phụ thuộc vào nơi sinh sống. Ngoài ra, sử dụng các loại nhựa mới trong đóng gói bao bì cũng làm tăng vết carbon do nhựa từ làm từ dầu thô”.
Tương tự, ông chủ công ty xuất bản tại Tangerang, phía Tây thủ đô Jakarta, Indonesia, Wilhem David, tỏ ra bối rối: “Tôi cảm nhận được mức độ ngạo mạn nhất định bên trong con người chúng ta. Chúng ta dường như tin rằng có thể làm bất kể điều gì đối với môi trường”, ông nói. Theo ông, con người đã từng đối mặt với nhiều loại virus liên quan đến động vật nhưng chúng ta vẫn còn chậm trong việc nhận ra và rút kinh nghiệm.
Đồng ý với quan điểm này, biên dịch viên người Lào, bà Vandasay Dejvongsa, nói: “Con người đang hành động mà không nhận ra rằng nhiều điều đó sẽ gây tổn thương ngược lại chúng ta. Chúng ta đang sử dụng cạn kiệt nguồn nhiên liệu vì nỗi sợ thiếu thốn, hoặc, nếu nói tiêu cực hơn, thì là do lòng tham.”
Bà nhớ lại đã có lúc từng nghĩ biến đổi khí hậu là khái niệm xa với cuộc sống thực tại nhưng có lúc bà cảm nhận được mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Lào. Từ đó, bà bắt đầu xây dựng những thói quen nhỏ của cá nhân như giảm rác thải nhựa, học cách phân loại rác và chia sẻ thông tin lên các kênh trực tuyến của mình. Tuy nhiên, các xe chở rác không đến nơi bà sống, cách thủ đô 20 cây số, khiến việc kiếm soát rác thải của bà gặp khó khăn.
Còn chị Kimberly de la Cruz, nhiếp ảnh gia người Philippines, nói thêm về các chính sách, ví dụ như “làm sao chúng ta có thể chọn việc đạp xe đạp đi làm khi nơi sinh sống không có làn đường dành riêng cho việc này”? Quan điểm này cũng được Limayo từ Philippines đồng tình: “Việc ngưng hoạt động của các phương tiện công cộng vì Covid-19 cho thấy tính cấp bách trong việc xây dựng vỉa hè hay các làn đường cho xe đạp vì nó dễ tiếp cận với người dân hơn”. Nhà làm phim Kathleen Limayo ủng hộ việc di chuyển bằng xe đạp hay đi bộ để dần hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch.

“Con người tạm dừng hoạt động, thiên nhiên được nghỉ ngơi”

Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ đại dịch đã cho thấy sự khác biệt mà chỉ khi sống chậm lại mới có. Điển hình như việc giãn cách xã hội khiến thành phố Nha Trang vắng khách du lịch, vùng biển này ghi nhận số lần hiếm hoi cá heo xuất hiện. Chị cho rằng: “Khi chúng ta tạm ngừng hoạt động quá mức, thiên nhiên được ‘nghỉ ngơi’ và hưởng ích lợi từ đó”.
Còn tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), dàn diễn viên cùng đoàn làm phim Lao New Way đến nơi quay hình với dàn thiết bị hiện đại và... những bình nước, cốc cà phê tái sử dụng. Từ tháng 6, công ty này đã ra quy định cấm đồ nhựa dùng một lần và chuyển sang sử dụng hộp giấy đựng phần ăn trưa.
Đề cập đến tình trạng nhựa tích tụ đổ ra sông và đại dương cùng với tác động biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, anh Phanumad Dissatta, đạo diễn của hãng Lao New Way, cho rằng: “Con người sẽ biến mất khi chúng ta không thể giải quyết các vấn đề môi trường nữa”. anh Phanumad nói thêm: “Đa số mọi người dường như không có hành động nào giải quyết các vấn đề môi trường mà mặc cho tình trạng xấu ấy tiếp tục ở mức báo động đỏ hoặc cam (mức nguy hiểm)”. Anh cũng sở hữu một nhà hàng và đã thay đổi hộp mang đi làm bằng giấy thay cho hộp xốp.
Với anh Đoàn Minh Chí, quản lý diễn đàn phi lợi nhuận trên Facebook với 20.000 thành viên, cũng là người có nhiều năm hoạt động liên quan đến vấn đề bền vững, dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người. “Giữa đại dịch, mọi người có xu hướng quan tâm bản thân và mọi thứ xung quanh hơn, tìm kiếm nhiều về môi trường và nhận ra nó đang thay đổi tích cực vì thực hiện giãn cách xã hội”, anh nói và nhận xét, “nhờ” Covid-19 mà việc kêu gọi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường hay dự án phát triển cộng đồng cũng dễ dàng hơn.
Từng là thành viên chủ chốt của Mạng lưới Thế hệ Xanh Việt Nam và Trung tâm phát triển cộng đồng (LIN), Minh Chí nhớ lại nhiều năm trước, biến đổi khí hậu được bàn luận nhiều nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng, “nhưng Covid-19 đã khiến mọi người xem biến đổi khí hậu không còn là điều xa vời, hay đơn giản như trời nắng, mưa, mà thực sự tác động đến cuộc sống hằng ngày.”
* Dự án Reporting ASEAN được nhà báo Johanna Son thành lập nhằm nâng cao năng lực phóng viên trong khu vực Đông Nam Á và khai thác các tuyến bài về khu vực. Bài viết do nhà báo Johanna Son tổng hợp từ sự cộng tác của các tác giả ở nhiều nước ASEAN như Kanis Dursin, Mariejo Ramos, Vannaphone Sitthirath và Diệp Uyên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.