Đa số sự quan tâm đang tập trung vào ứng viên vắc xin của Pfizer-BioNTech. Dù hiệu quả ngăn ngừa Covid-9 lên đến 95%, dòng vắc xin đang được thử nghiệm cần được bảo quản ở nhiệt độ – 70oC hoặc thấp hơn.
Điều này buộc nhiều quốc gia đẩy mạnh năng lực trữ lạnh cũng như công tác vận chuyển vắc xin, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng liên quan trước khi dòng vắc xin trên chính thức được phép sử dụng, dự kiến trong vài tháng tới.
Pfizer lên kế hoạch cung cấp 50 triệu liều trong năm nay và thêm 1,3 tỉ liều cho năm 2021, với 100 triệu liều theo đơn đặt hàng của Mỹ, 200 triệu liều đến Liên minh châu Âu và 40 triệu liều của Anh.
Các nước Nam Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương cũng đã đặt hàng dòng vắc xin trên, theo báo The Guardian hôm 25.11.
Trước nhu cầu tăng vọt, một số nhà sản xuất thiết bị trữ siêu lạnh cảnh báo nguy cơ thiếu hàng kéo dài trong nhiều tháng tới.
Tại Mỹ, với hơn 260.000 ca tử vong và ít nhất 12,6 triệu ca Covid-19 trên toàn quốc, giới chức nước này đang chuẩn bị tiếp nhận 6,5 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech vào giữa tháng 12.
Nếu không sử dụng trong vòng vài tuần, vắc xin này cần phải được bảo quản ở nhiệt độ siêu thấp để có thể dự trữ tối đa 6 tháng.
Các tập đoàn tư nhân như Ford Motor cũng đặt hàng thiết bị chuyên trữ lạnh để đảm bảo các công nhân của hãng có thể tiếp cận vắc xin.
Trong khi đó, Đức lên kế hoạch thiết lập 60 trung tâm vắc xin đặc biệt, và cần được trang bị phương tiện bảo quản.
Các công ty vận chuyển hàng hóa như UPS, FedEx và DHL cũng tất bật bổ sung nhiều xe tải lạnh cho các đội giao hàng.
Đặc biệt, UPS đang xây hai cơ sở lớn ở Hà Lan và Mỹ, trang bị tổng cộng 600 thiết bị có thể trữ lạnh ở mức – 80oC.
Bình luận (0)