(Tin Nóng) Thượng phụ Đại kết Kirill, Tổng giám mục lãnh đạo Chính thống giáo Nga, sẽ có cuộc gặp lịch sử với Giáo hoàng Francis của Công giáo Roma vào giữa tháng 2 tại Cuba.
Triển vọng hòa giải đang hé mở giữa hai nhánh chính của Nhà thờ Công giáo - Ảnh: Reuters
|
Cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc hai nhánh giáo hội Công giáo chủ chốt được đánh giá là động thái vô tiền khoáng hậu nhằm hàn gắn bất hòa kéo dài cả thiên niên kỷ kể từ cuộc Ly giáo Đông - Tây vào năm 1054, phân thành Chính thống giáo phương Đông và Công giáo Roma.
Cuộc gặp vào ngày 12.2 đã xác nhận vị thế của Nga trong thế giới Công giáo, theo đại sứ Nga tại Tòa Thánh Alexander Avdeev.
Được biết, những vụ ngược đãi và hãm hại tín đồ Công giáo trong thế giới hiện đại là vấn đề chính sẽ được bàn thảo giữa hai vị giáo chủ, theo Nhà thờ Chính thống giáo Nga. Trong đó, người theo Công giáo nằm trong số nạn nhân của phong trào cưỡng bức áp dụng ý tưởng Hồi giáo cực đoan tại những nơi như Iraq, Syria và Somalia.
Bên cạnh Cuba, Thượng phụ Đại kết Kirill còn đến thăm Mỹ La tinh từ ngày 11 - 22.2, bao gồm Paraguay, Chile và Brazil.
Cuộc gặp này đã được chuẩn bị trong suốt 2 thập niên qua, và cả Moscow lẫn Vatican đều đồng thuận rằng nên chọn một số quốc gia trung lập để tổ chức. Ban đầu, Áo và Hungary được cân nhắc, nhưng cuối cùng Cuba trở thành nơi thích hợp nhất.
Trước đó, Cuba đã đón Giáo hoàng Francis vào tháng 9.2015. Chính Vatican là nhân tố chủ chốt giúp thúc đẩy và tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao Havana - Washington.
Cuộc Ly giáo Đông - Tây, hay còn gọi là Đại Ly giáo, là sự kiện chia rẽ Công giáo xảy ra vào thời Trung Cổ, dẫn đến sự hình thành Chính thống giáo Đông phương và Công giáo Roma. Đến năm 1965, Giáo hoàng Paolo VI và Thượng phụ Đại kết thành Constantinopolis, Athenagoras I đã gỡ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau giữa hai giáo hội, đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hòa giải.
Phi Yến
Bình luận (0)