Cuộc gọi rác từ số cố định 'tấn công' người dùng

09/08/2024 14:24 GMT+7

Sau khi siết chặt quản lý thuê bao di động, người dùng lại đón nhận một đợt "tấn công" mới bằng cuộc gọi rác, lừa đảo thông qua số máy bàn.

Cuộc gọi rác, lừa đảo đã là nỗi "ám ảnh" của người dùng trong thời gian dài trước khi có dấu hiệu thuyên giảm sau đợt siết quản lý thông tin thuê bao di động để hạn chế SIM rác. Nhưng gần đây, người dùng di động lại đối mặt với sự trở lại của vấn nạn này khi những kẻ lừa đảo, quảng cáo chuyển sang sử dụng số máy bàn (điện thoại cố định) để thực hiện hành vi của mình.

Không chỉ "trở lại", hành vi quấy rối, làm phiền thông qua các cuộc gọi rác từ số máy bàn còn bùng phát mạnh mẽ, với tần suất tăng. Nhiều người dùng cho biết một ngày có thể nhận vài cuộc điện thoại từ số lạ để chào mời đầu tư chứng khoán, vay tiền, tuyển người làm thêm từ xa...

Người dùng nhận nhiều cuộc gọi rác từ các số điện thoại cố định liên tiếp

Người dùng nhận nhiều cuộc gọi rác từ các số điện thoại cố định liên tiếp

Anh Quân

Anh Ngọc Quân (Hà Nội) cho hay chỉ trong một ngày, anh nhận tới 4 cuộc gọi từ số máy bàn có đầu số 0225 (mã vùng số điện thoại cố định của Hải Phòng), nhưng không lần nào là trùng số. Người dùng này cho biết theo thói quen, khi có số lạ gọi đến anh thường cố tình để nhỡ cuộc gọi hoặc từ chối, nếu cùng số đấy gọi lại lần thứ hai thì mới bắt máy.

"Người cần liên hệ với mình sẽ chủ động gọi lại lần nữa. Đó là cách tôi tự 'lọc' cuộc gọi rác", anh Ngọc Quân chia sẻ. Nhưng trong một ngày có tới vài lần số điện thoại từ cùng một mã vùng gọi đến khiến anh sốt ruột và bắt máy. "Kết quả vẫn là cuộc gọi rác khi đầu dây bên kia bắt đầu giới thiệu bản thân là nhân viên của công ty chứng khoán, gợi ý đầu tư", người dùng di động này nói thêm.

Trong khi đó, Thùy Dung - sinh viên năm 2 một trường đại học tại Hà Nội chia sẻ nhận nhiều cuộc gọi rác tới số di động của mình để giới thiệu việc làm, tuyển dụng cộng tác viên làm việc từ xa. "Đôi khi cũng có mời chơi chứng khoán hay đầu tư nhà đất", Dung nói thêm. Do có ý định tìm việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, Dung cho rằng bằng cách nào đó những kẻ làm phiền, lừa đảo có được danh sách chứa thông tin của mình và nắm được nhu cầu của cô cũng như sinh viên nói chung.

Anh Hoàng Anh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội khẳng định những số điện thoại cố định thực hiện các cuộc gọi rác gần đây là "mới xuất hiện". Hoàng Anh cho biết trên smartphone của mình cài phần mềm cảnh báo cuộc gọi rác, sử dụng gói trả phí nên khá hiệu quả nhưng các đầu số mới gọi đến thì không có bất kỳ cảnh báo nào, cho thấy dữ liệu của bên phát triển phần mềm chưa nhận được báo cáo về loạt số cố định đang bị lợi dụng để lừa đảo, làm phiền người dùng.

"Tôi mới cài thêm phần mềm cảnh báo lừa đảo, làm phiền của Việt Nam, nhưng dữ liệu cũng chưa nhiều, do vậy cả hai chương trình đang sử dụng đều 'bó tay' với các đầu số mới", Hoàng Anh cho biết.

Khi các ứng dụng chưa được cập nhật cơ sở dữ liệu để "đón đầu" một đợt tấn công, làm phiền mới từ các số máy bàn, người dùng đã chỉ nhau cách để tránh bị làm phiền như: không nghe cuộc gọi từ số điện thoại bàn trừ trường hợp cùng số đó gọi lại nhiều lần; nếu nhấc máy không chủ động trả lời trước mà đợi đầu bên kia lên tiếng, giới thiệu bản thân và nếu nói đúng tên, nhu cầu liên hệ thì mới trả lời... Thậm chí một số người còn khuyên nhau cứ nhấc máy để kệ cho kẻ thực hiện cuộc gọi rác... tự nói chuyện một mình, không trả lời bất kỳ thông tin nào cho tới khi chúng phải bỏ cuộc.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một nhà mạng đang chiếm thị phần lớn về thuê bao cố định cho biết thời gian qua đơn vị có ghi nhận các phản ánh về cuộc gọi rác, lừa đảo qua số máy bàn hoặc qua số tổng đài ảo. Những đầu số bị phản ánh nhiều là 028xx, 029xx. "Sáu tháng đầu năm nay, chúng tôi đã khóa hơn 62.000 thuê bao bị xác định thực hiện cuộc gọi, tin nhắn rác", vị này cho biết.

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam đều có hệ thống giúp phát hiện thuê bao thực hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác kết hợp với khảo sát từ người dùng (bên nhận) và áp dụng hình thức nhắc nhở, cảnh báo, khóa một chiều và buộc cam kết không tái phạm mới mở lại; hoặc chuyển phản ánh sang mạng liên quan hay cơ quan chức năng xử lý nếu số bị phản ánh không do đơn vị quản lý trực tiếp.

Để phản ánh về tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo, người dùng có thể thực hiện theo các cách sau:

  • Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156:
  1. Đối với tin nhắn rác, soạn nội dung theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
  2. Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, người dùng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
  3. Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
  • Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.