Cuộc hội ngộ những nghệ sĩ gốm

02/09/2014 09:12 GMT+7

Trong những ngày đầu tháng 9, tại làng gốm cổ Thanh Hà 500 năm tuổi (Nam Diêu, P.Thanh Hà, Quảng Nam), một cuộc hội ngộ giữa những nghệ sĩ gốm nổi tiếng của miền Nam và những nghệ nhân gốm của làng, tạo nên một triển lãm gốm đầy sáng tạo và nghệ thuật-Triển lãm Giai điệu gốm Thanh Hà...

Trong những ngày đầu tháng 9, tại làng gốm cổ Thanh Hà 500 năm tuổi (Nam Diêu, P.Thanh Hà, Quảng Nam), một cuộc hội ngộ giữa những nghệ sĩ gốm nổi tiếng của miền Nam và những nghệ nhân gốm của làng, tạo nên một triển lãm gốm đầy sáng tạo và nghệ thuật-Triển lãm Giai điệu gốm Thanh Hà...

 Triển lãm Giai điệu gốm Thanh Hà
Triển lãm Giai điệu gốm Thanh Hà chính thức khai mạc với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ gốm tên tuổi - Ảnh: Diệu Hiền

Từ sự sáng tạo của những nghệ sĩ tài hoa...

Theo nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng, Trưởng đoàn của CLB Mỹ thuật Gốm TP.Hồ Chí Minh (Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ trong sự xúc động: “Chúng tôi đã đi đến nhiều nơi để sáng tác, nhưng những kỷ niệm được sáng tác trong làng gốm cổ Thanh Hà, và được tiếp xúc với những nghệ nhân chân chất đã gắn bó cả cuộc đời mình với làng gốm cổ, sẽ trở thành những ký ức không thể nào quên!”.

Những ký ức đó, đã được 18 nghệ sĩ của CLB Mỹ thuật Gốm TP.HCM thể hiện qua những tác phẩm đắt giá, thể hiện đậm nét văn hóa của làng gốm bên sông Thu Bồn. Đó là hình ảnh những cụ bà nghệ nhân lưng đã còng, người đứng nhồi đất sét còn chân thì dùng để xoay bàn xoay, người thì ngồi bên bàn xoay để tạo hình nghệ thuật cho tác phẩm... Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng còn lập một lò gốm thu nhỏ, phía trên cửa là những dấu vân tay của những nghệ nhân gốm trong làng in dấu lên, thể hiện được dấu ấn văn hóa làng nghề gốm cổ. Nghệ sĩ Lâm Thanh lại khai thác gốm ở một khía cạnh khác, với những tác phẩm về cá, liên quan đến những vấn đề về môi trường, được thể hiện thành những tác phẩm tài hoa... Những nghệ sĩ Huỳnh Phương Đài Trang, Lê Minh Huy, Cao Thị Song... lại tạo hình những tác phẩm gốm mang đậm tính điêu khắc, khiến những sản phẩm thành hình vô cùng sáng tạo và mang dấu ấn riêng của mỗi tác giả... Những tác phẩm thể hiện tình mẫu tử, văn hóa vùng cao, quy luật cuộc sống... qua gốm đều được tái hiện thật lắng đọng và đầy mê hoặc...

“Ánh sáng, đất, lửa làm nên gốm, là những nguyên liệu gắn bó với con người từ thuở xa xưa, nên những nghệ sĩ đã gắn cuộc đời mình với gốm, nghĩa là họ muốn gắn cuộc đời mình với những giá trị văn hóa bất biến... 170 tác phẩm lần này được tạo nên từ 18 tác giả, thể hiện những ngôn ngữ văn hóa phong phú và có tính trường tồn với thời gian...” nghệ sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh nói lên những cảm nhận của mình về triển lãm gốm. Ông còn chia sẻ, sẽ đề xuất với Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch công nhận triển lãm như một sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của cả nước, với giá trị văn hóa mà triển lãm đã tạo dựng nên.

...lối ra để vực dậy một làng nghề cổ

Ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao TP.Hội An cảm thấy tự hào khi đến triển lãm, bởi làng gốm cổ 500 năm tuổi đã bắt đầu tìm được hướng đi mới từ cái nền văn hóa lâu đời.

 Đó là việc từ sự sáng tạo của những nghệ sĩ gốm tài hoa, những nghệ nhân trong làng sẽ tìm tòi, và sáng tạo nên những sản phẩm mới mẻ, có tính nghệ thuật cao, phù hợp với nhu cầu mới thị trường về sản phẩm gốm, thay đổi quan điểm sản xuất. Không chỉ tạo ra những sản phẩm đơn thuần phục vụ đời sống thường nhật như gạch, nồi nung, tò he... mà cũng từ những nguyên liệu sẵn có lâu đời, cộng hưởng với sự sáng tạo, tạo nên những sản phẩm gốm có tính nghệ thuật... Từ đó, vực dậy làng nghề gốm cổ đang có nguy cơ bị mai một...

Rất nhiều nghệ nhân gốm có mặt tại triển lãm, đã vô cùng xúc động bởi chính những sản phẩm gốm mới mẻ và đầy sáng tạo mà họ được thưởng lãm, được làm nên từ loại gốm có màu đỏ gan gà cổ điển của làng nghề. Từ đó, hướng đi mới của làng nghề đã được mở ra...

Chị Nguyễn Thị Mai Huyền, một du khách Hà Nội khi tận mắt chứng kiến những tác phẩm gốm được triển lãm tại công viên Gốm Thanh Hà, thực sự bị thuyết phục. “Tôi nghĩ, với những tác phẩm gốm này, những du khách như chúng tôi sẽ còn đến với làng nghề nhiều, nhiều lần hơn nữa. Và không chỉ đến để thưởng lãm, mà còn để tìm mua những sản phẩm ưng ý cho riêng mình...”.

Diệu Hiền

>> Giai điệu gốm Thanh Hà
>> Trưng bày tượng gốm cổ 4.000 năm
>> Gốm cổ chờ hồi sinh
>> Nghệ nhân làng gốm cổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.