Nhiệm kỳ của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon, người Hàn Quốc, mãi đến cuối năm nay mới kết thúc và việc bầu người kế nhiệm sẽ diễn ra ở khóa họp Đại hội đồng LHQ vào mùa thu tới.
Cuộc chạy đua giành chiếc ghế do ông Ban Ki-moon để lại đã bắt đầu sôi động - Ảnh: AFP |
Nhưng hiện tại, cuộc chạy đua giành chiếc ghế này đã bắt đầu sôi động. Các nước châu Âu đã lên tiếng đòi quyền cử người của họ. Lần cuối cùng một người châu Âu đảm trách cương vị Tổng thư ký LHQ là ông Kurt Waldheim, người Áo, từ 1972 - 1981.
Giữa các thành viên khác của LHQ dường như không có bất đồng quan điểm về việc một người châu Âu sẽ kế nhiệm ông Ban. Nhưng giữa các nước châu Âu với nhau lại không có sự nhất trí quan điểm về người đại diện, cụ thể là người này thuộc vùng nào của châu Âu hay đến từ quốc gia thuộc phe phái, tổ chức, liên minh liên kết nào ở châu Âu.
Sự bất đồng quan điểm này sẽ không đến nỗi khó khắc phục nếu như không có chuyện Nga có quyền phủ quyết mà một khi phụ thuộc vào Nga thì lại không thể tách rời thực trạng mối quan hệ chẳng tốt đẹp gì giữa Mỹ, EU và NATO với Nga. Mỹ và EU cùng một số đồng minh khác vẫn duy trì chủ ý cô lập Nga về chính trị, trừng phạt Nga về kinh tế. Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết này để làm phá sản mọi chủ định nhân sự của EU. Tức là sẽ phải có cuộc mặc cả mới. Vừa rồi, phía Nga đã cho biết muốn một đại diện của các nước ở Đông Âu trở thành tổng thư ký mới của LHQ.
Mục đích của Nga trước hết là nhắc nhở các nước châu Âu rằng thỏa hiệp với Moscow trước còn hơn là sẽ bị phủ quyết sau ở LHQ, là phải “có đi có lại” mới đạt được mục đích. Đó cũng còn là cách Nga phân rẽ các nước Đông Âu với các nước Tây và Bắc Âu.
Bình luận (0)