|
Nó nhìn thấy rất nhiều phân tử đang bay trên đầu nó. Họ bay tứ tán, hỗn loạn, dường như không một ai thèm để ý tới ai. Có những phân tử lớn bằng nó, có những phân tử lớn hơn nó và cả những phân tử nhỏ hơn nó. “Thì ra đây là bầu khí quyển”. Phân tử nhỏ sung sướng nghĩ rồi tung mình bay lên, hòa vào sự hỗn loạn ấy.
“Cốp”. Vừa mới bay lên, phân tử nhỏ đã va ngay vào một phân tử khác. Phân tử này có vẻ lớn hơn nó, được cấu thành từ hai phân tử lớn và một phân tử bé hơn. Phân tử Nitơ rối rít:
- Em xin lỗi anh! Em không cố ý.
Trái với lo lắng của nó, phân tử kia chỉ cười lớn:
- Trong không khí va vào nhau là chuyện thường. Mày không phải để ý.
- Ơ dạ…
- Mày mới à?
- Vâng ạ!
- Người mới à?
- Đâu? Đâu?
- Tao xem với!
Bỗng chốc, vô số các phân tử vây quanh nó, ngắm nghía, hỏi han nó, chào mừng nó. Nitơ cảm thấy nó thật là quan trọng. Một phân tử trìu mến hỏi:
- Cậu tên gì?
- Em là Nitơ - Phân tử nhỏ đáp, niềm kiêu hãnh ánh lên trong mắt nó.
- Nitơ?
- Ha ha ha…
Tất cả mọi phân tử xung quanh chợt phá lên cười. Chúng bắt đầu tản ra. Một số còn ở lại nói với nó:
- Cứ 10 thằng thì hết 7 thằng là Nitơ rồi. Làm gì mà chú oách thế?
- Ơ…
- Tao đã bảo chúng mày lại là Nitơ thôi rồi còn gì - Một phân tử nói với đám còn lại trước khi bỏ đi.
Thoáng chốc, phân tử nhỏ chỉ còn lại một mình. Bầu khí quyển, mới phút trước còn như một thiên đường đầy hứa hẹn với nó, giờ đây lại trở thành một chốn lạ lẫm khôn cùng. Nó lại nhìn xung quanh, quay nhiều vòng quanh trục liên kết của mình. Đúng như các phân tử kia đã nói, có rất nhiều những phân tử giống nhau trong vô số những phân tử đang chuyển động hỗn loạn kia. Chúng chiếm một phần lớn bầu khí quyển, một phần áp đảo. “Mình cũng giống như họ ư?”. Phân tử nhỏ nghĩ. Tại sao trong một thế giới ngập tràn đồng loại mà nó lại cảm thấy lạc lõng đến như vậy? Họ vẫn đang bay hỗn loạn trên kia, còn nó, nó làm gì đây?
Phân tử nhỏ mang niềm ưu tư ấy trên suốt hành trình của nó. Va kẻ này, chạm kẻ kia, rồi lại bay, lại va, lại chạm. Không biết nó đã như vậy trong bao lâu rồi. Đến cả thời gian cũng trở nên vô nghĩa. “Cuộc đời một phân tử trong bầu khí quyển chỉ có thế thôi ư? Vậy thì tồn tại có ý nghĩa gì chứ?”.
- Này, làm sao mà buồn thế kia?
Một ngày nọ, phân tử nhỏ giật mình với câu hỏi ấy. Âm thanh to và vang, như thể không phải chỉ là một giọng nói. Đúng rồi, là vô số giọng cùng hỏi một lúc. Nó nhìn quanh tìm xem ai là người hỏi.
- Ở đây này, đừng tìm nữa! - Những giọng ấy lại cùng vang lên.
À, nó nhận ra rồi! Đó là một chuỗi dài những phân tử hình thù kỳ cục gấp khúc đang nối vào nhau. Các phân tử ấy giống hệt nhau, thành phần, kết cấu, hình dạng, thậm chí cả những ánh mắt đang đổ dồn về phía nó cũng mang cùng một tia nhìn. Thấy nó đã nhận ra mình, các phân tử ấy lại đồng thanh:
- Sao bay được mà trông vẫn buồn thế?
- Ơ thế mọi người không bay được sao? - Nói dứt lời nó mới thấy câu hỏi của mình thật là ngớ ngẩn: Làm sao mà
bay được với ngần ấy những kết nối chứ?!
- Chúng tôi không bay được. Chúng tôi chỉ ở đây thôi.
- Thế… sao các anh chị lại dính vào nhau thế này? - Nó không biết câu hỏi của mình có phải là khiếm nhã hay không nữa.
- Chúng tôi là xenlulo, là phân tử polyme (1) - Họ trả lời, rồi lại hỏi - Cậu làm sao mà trông buồn thế?
- Em… chẳng biết phải làm gì cả. Các anh chị làm gì cho em làm với?
- Cậu không làm được đâu - Họ đáp hiền hòa, nhưng nhiều giọng một lúc quá cũng khiến người nghe khó lòng mà cảm thấy thế được - Chúng tôi là chất xơ, cấu tạo nên thực vật. Cậu là Nitơ, không làm được đâu!
- Có việc để làm, thật tốt quá!
- Nhưng cậu lại biết bay, rồi cậu sẽ khám phá được nhiều điều.
- Vâng… Mà lúc nào mọi người cũng phải đồng thanh thế này à?
- Chúng tôi là một khối. Một khối thì phải có cùng tiếng nói, hành động chứ. Nhỉ?
- Phải đấy! - Họ vẫn cứ đồng thanh, chẳng biết được ai là người hỏi và ai trả lời nữa.
- Dạ vâng, cảm ơn anh chị!
Phân tử nhỏ cười ái ngại rồi bay đi. Các phân tử xenlulo này thú vị thật đấy, nhưng nói chuyện với cùng lúc nhiều người thế này làm nó thấy mệt quá. Sao họ cứ phải “có cùng tiếng nói, hành động” như thế chứ nhỉ? Dù có gắn với nhau thì họ vẫn là những phân tử riêng biệt cơ mà?
Phân tử nhỏ lại bay đi. Va kẻ này, chạm kẻ kia, rồi lại bay, lại va, lại chạm. Không biết nó đã như vậy trong bao lâu rồi.
“Cốp”. Phân tử nhỏ va phải một phân tử khác. Nó cũng chẳng thèm phản ứng lại gì nữa, đây có lẽ là lần thứ vài mươi triệu gì đó rồi. Nhưng lần này thì khác.
- Này - Một giọng trầm trầm vang lên - Va vào người khác mà không chịu xin lỗi lấy một tiếng à?
- Ơ… - Phân tử nhỏ quay lại và nhận ra một phân tử giống hệt nó - Xin lỗi… cậu!
- Cậu tớ gì? Có biết ta là ai không?
- Ơ, cậu là phân tử Nitơ, cũng giống như tớ còn gì?
- Giống là giống thế nào? - Phân tử kia có vẻ giận dữ - Ta đây là… là dạng thù hình (2) khác!
- Nitơ nguyên chất chỉ có một dạng thù hình thôi mà?
- Thì… thì… ta là đồng vị (3) khác!
- Đồng vị khác thì phải gọi thế nào ạ?
- Ơ… Có biết ta bao nhiêu tuổi rồi không?
- Không ạ - Phân tử nhỏ thật thà.
- Hừ, đồ nhóc con! - Phân tử kia vênh mặt lên - Ta đã sống từ cái thời mà James Chawick (4) khám phá ra hạt nơtron đấy, có biết không?
- Ôi, thật thế ạ? - Phân tử nhỏ trợn tròn mắt - Đấy là từ đầu thế kỷ 20 lận. Cậu, à, bác làm thế nào mà sống lâu thế ạ?
- Hà hà - Phân tử già cười sảng khoái - Từ từ rồi ta kể cho mà nghe. Lâu lắm rồi mới có người nghe ta kể chuyện…
Phân tử nhỏ sung sướng đi theo phân tử già mới quen. Có thể đây chính là người sẽ cho nó câu trả lời.
- Được rồi. Để ta nói cậu nghe. Phân tử Nitơ chúng ta về cơ bản là rất bền vững, nhờ có liên kết ba. Không như bọn Oxy bèo bọt kia, một mồi lửa là cháy hết. Nhưng mà muốn sống lâu như ta cũng không phải dễ đâu…
- Vâng… - Phân tử nhỏ hồi hộp.
- Đầu tiên cậu phải tránh xa các thứ cây họ đậu. Chúng nó có vi khuẩn cố định đạm, có thể biến mình thành chất hữu cơ, axit amin ấy.
- Tránh xa cây họ đậu…
- Tiếp theo phải tránh xa bọn khí thiên nhiên, khinh khí với cả hồ quang điện. Gặp bọn Hydro với hồ quang điện là mình sẽ bị dính với chúng nó, thành amoniac (5). Cái thứ khí bốc mùi ấy… Chỉ nghĩ đến mình thành ra thế thôi là ta đã muốn phát ói lên rồi!
- Tránh xa Hydro…
- Tốt nhất tránh xa cả các phòng thí nghiệm hóa học, vật lý ra. Chúng nó có thể hạ nhiệt độ xuống, làm cho chúng mình dính cứng vào nhau lại thành Nitơ lỏng, rồi chúng nó sẽ làm đủ thứ khác lên mình. Ghê lắm…
- Tránh xa phòng thí nghiệm…
- Và quan trọng nhất là… - Phân tử già chợt hạ giọng, chừng như để tạo hiệu ứng cho cái điều ông sẽ nói ngay đây.
- Gì hả bác? - Phân tử nhỏ hồi hộp.
- Cứ khi nào thấy mây đen kéo đến thì đừng có bay lên trời. Cứ lao thẳng xuống đất mà trốn! Lúc ấy có gặp cây họ đậu hay khinh khí hay phòng thí nghiệm gì cũng mặc kệ. Có thứ còn khủng khiếp hơn nhiều…
- …
- Là sấm sét đấy! Quanh quẩn ở gần sấm sét là chết hàng loạt đấy! Chúng ta sẽ bị biến thành axit, rồi thành muối, rồi sẽ bị đám cây cối hút lấy, vĩnh viễn không bao giờ bay lượn được nữa (6).
- Ôi đáng sợ quá!
- Đã từng có một lần bọn ta bay lên quá tầng bình lưu chơi, bất chợt một ánh chớp lóe lên. Bao nhiêu bạn bè ta bỏ mạng cả, chỉ có mình ta thoát được. Thê thảm lắm thay… Vậy là chỉ còn mình ta cô đơn trên cõi đời này!
Phân tử nhỏ bị chấn động sâu sắc. Nó lại gần phân tử già đang vô cùng xúc động, bùi ngùi nói:
- Bác đừng buồn! Cháu sẽ ở đây cùng bác, cho bác bớt cô đơn.
- Thật vậy sao? - Phân tử già mừng rỡ - Vậy ta sẽ kể cho cậu nghe thêm chuyện của phân tử Nitơ già này.
Từ đó, phân tử nhỏ đi cùng với người bạn lớn của nó. Ngày ngày, nó được nghe những câu chuyện của ông. Từ chuyện chứng kiến các nhà bác học làm thí nghiệm, lúc bị hút ra khỏi một cái ống chân không, chuyện ông đã phải lòng một nguyên tử Nitơ “nude”, bị lột hết lớp vỏ electron làm hạt nhân thí nghiệm, cho đến chuyện một lần bị hóa lỏng tưởng chết, nhưng may thay họ chỉ dùng ông để bảo quản cá tầm nhập khẩu rồi lại thả ra… Những câu chuyện rất đỗi ly kỳ, cuốn hút. Nhưng đối với phân tử nhỏ, dường như chúng vẫn cứ thiếu sót một điều gì đó, một điều rất quan trọng. Cho đến một lần, nó đánh bạo cắt ngang mạch kể chuyện bất tận của ông:
- Bác ơi! Thế… chúng ta tồn tại để làm gì?
- Hả? - Phân tử già tỏ vẻ ngạc nhiên - Sao tự nhiên lại hỏi thế?
- Dạ, cháu… không biết được ý nghĩa sự tồn tại của mình.
- Ui dào - ông xua xua đám mây orbital gạt đi - có gì quan trọng đâu! Cứ sống lâu như ta đây này. Để ta kể tiếp chuyện vợ chồng Irene Curie (7) cho mà nghe. Thế rồi sau đó…
Đêm đó, phân tử nhỏ không tài nào ngủ được. “Vậy là bác ấy cũng không có câu trả lời”, nó buồn rầu nghĩ, “Có khi mình phải đi tiếp thôi”. Phân tử già khi ấy đã chọn được một vị trí tránh khỏi tất cả những mối hiểm họa mà ông hằng lo sợ, đang say ngủ. Phân tử nhỏ định đánh thức ông dậy để nói lời tạm biệt, nhưng rồi nó nghĩ lại. Nếu đánh thức ông dậy, có thể nó lại chẳng thể đi được nữa. Những câu chuyện sẽ níu chân nó lại. Không, không phải những câu chuyện, chính nhu cầu được tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại dù không biết lý do, nơi phân tử già, sẽ khiến cho nó không thể đi tiếp. Nó vẫn sẽ sống nếu biết tránh mọi mối đe dọa mà phân tử già đã dạy, một câu trả lời không biết có thực sự tồn tại hay không sẽ không đủ làm một lý do để nó từ bỏ một nơi chốn an toàn. Nó phải đi thôi, đi mà không một lời từ biệt. Nghĩ vậy, phân tử nhỏ từ từ bay lên.
- Ơ này! Đi đâu đấy? - Phân tử già bất chợt giật mình tỉnh dậy.
- Cháu phải đi thôi - Nó ngoái lại, mỉm cười với phân tử già - Cảm ơn bác về mọi chuyện! Cháu phải đi tìm câu trả lời cho riêng mình.
- Này, này, làm gì mà vội thế? Xuống đây ta kể chuyện Alfred Nobel làm ra thuốc nổ nước cho mà nghe.
- Chuyện đó bác kể rồi ạ.
- Ơ thế à?
- Cháu đi đây. Bác rất tốt nhưng... cháu rất tiếc!
Phân tử nhỏ lại bay đi. Va kẻ này, chạm kẻ kia, rồi lại bay, lại va, lại chạm. Không biết nó đã như vậy trong bao lâu rồi.
“Cốp”. Phân tử nhỏ va phải một phân tử khác. Nó còn chưa kịp nghĩ gì thì phân tử kia đã rối rít:
- Ôi, em xin lỗi anh! Em không cố ý!
- Trong không khí va vào nhau là chuyện thường mà.
Phân tử nhỏ xua tay, rồi nó chợt nhận ra phân tử mà nó vừa va phải kia cũng được cấu thành từ hai nguyên tử, có điều lớn hơn nó một chút.
- Sao lại gọi mình là anh? Cậu còn to hơn mình nữa.
- Ui, kích thước có là gì đâu anh - Phân tử kia cười ngượng ngùng - Anh là Nitơ phải không? Anh đứng trước em trong bảng hệ thống tuần hoàn, nên anh là anh.
- Ủa vậy hả? - Nó bật cười - Thế cậu là…?
- Em là Oxy anh ạ! Em vừa mới được quang hợp ra thôi.
- Thế à? - Nó chẳng biết nói gì hơn.
- Em hâm mộ Nitơ các anh lắm. Các anh thật là bền vững, chẳng có mấy tác nhân làm tan rã được. Không như bọn em…
- Cậu thì sao?
- Nay sống mai chết anh ạ! - Phân tử Oxy cười nhẹ - Các hợp chất cháy, sinh vật hô hấp, vòng đời Oxy bọn em ngắn lắm.
- Thế làm sao mà các cậu tồn tại được?
- Sinh vật hô hấp tụi em, rồi cây cối lại quang hợp, lại có lứa Oxy mới anh ạ! Vòng tuần hoàn không ngừng mà! Tụi em luân chuyển suốt. Em cũng chỉ nghe nói vậy thôi. Chẳng biết bao giờ em bị chuyển hóa nữa…
- Bị chuyển hóa rồi thế nào nữa?
- Hì, em không biết anh ạ. Em chỉ biết mình là Oxy và sẽ bị chuyển hóa vậy thôi.
- Cậu có sợ không?
- Hơi sợ anh ạ! Nhưng mà vui, sự sống cần mình.
- Nhưng mà mình lại bị chuyển hóa…
- Hì hì, cứ là phân tử Oxy thì cũng có làm được gì đâu anh. Thôi, em xin phép, em đi trước nhé!
- Ơ, chào…
Phân tử nhỏ nhìn theo bóng phân tử Oxy bay đi xa dần rồi khuất hẳn. Những lời của phân tử Oxy cứ vang trong đầu nó. “Cứ là phân tử Oxy thì cũng có làm được gì đâu”. Sự tồn tại mong manh của các phân tử Oxy này…
Nó không biết nó đã tìm được câu trả lời hay chưa. Nhưng nó có một dự cảm rằng câu trả lời vốn đã ở ngay nơi đó rồi. Ở đâu đó giữa những liên kết cộng hóa trị của nó chăng? Phía xa xa trên tầng đối lưu, mây đen đang tụ lại. “Đi thôi!”, phân tử Nitơ nhỏ nghĩ thầm rồi bay về phía một ánh chớp nơi cuối chân trời.
Truyện ngắn của Nhật Phi
Cho những ngày từng học hóa
Cho dù có thế nào, niềm vui hóa học của tôi chưa bao giờ suy giảm
Chú thích
(1) Polyme: các hợp chất có khối lượng phân tử lớn và trong cấu trúc của chúng có sự lặp đi lặp lại nhiều lần những mắt xích cơ bản.
(2) Dạng thù hình: các dạng đơn chất khác nhau của cùng một nguyên tố.
(3) Đồng vị: các dạng của cùng nguyên tố hóa học có cùng số proton trong hạt nhân nguyên tử nhưng có số khối khác nhau vì có chứa số neutron khác nhau.
(4) James Chadwick: nhà vật lý người Anh, đoạt giải Nobel năm 1935 nhờ công trình khám phá ra sự tồn tại của hạt nơtron.
(5) Phản ứng giữa khí nitơ và khí hydro trong hồ quang điện tạo ra khí amoniac có mùi khai.
(6) Khí nitơ trong không khí với điều kiện tia lửa điện sẽ tạo ra ion nitrat, nitrit. Ion nitrat, nitrit khi hòa vào đất sẽ được cây cối hấp thụ. Ông bà ta có câu:
Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên
(7) Irene Joliot-Curie, con gái Marie Curie, nhà vật lý, hóa học người Pháp, cùng với chồng là Frederic Joliot-Curie, đoạt giải Nobel Hóa học năm 1935 nhờ công trình về sự phát xạ nhân tạo.
Bình luận (0)