TNO

Cuộc sống bên trong một tàu ngầm hạt nhân Mỹ

28/05/2016 11:43 GMT+7

(Tin Nóng) An ninh trên một tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ rất gắt gao, bạn có thể bị bắn nếu rút ra 1 chiếc iPhone khi thăm tàu này, theo ghi nhận của phóng viên trang tin Bộ Quốc phòng Mỹ khi mới thăm tàu ngầm hạt nhân USS Alaska ngày 20.5 qua.

(Tin Nóng) An ninh trên một tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ rất gắt gao, bạn có thể bị bắn nếu rút ra 1 chiếc iPhone khi thăm tàu, theo ghi nhận của phóng viên trang tin Bộ Quốc phòng Mỹ khi mới thăm tàu ngầm hạt nhân USS Alaska ngày 20.5 qua.

Tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo (SLBM) lớp Ohio, chiếc USS Alaska của Hải quân Mỹ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Ngày 20.5 qua, phóng viên Jim Garamone của trang tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã tháp tùng đại tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo USS Alaska (lớp tàu Ohio) ở căn cứ hải quân Kings Bay, bang Georgia.

Cuộc sống và sinh hoạt trên một tàu ngầm hạt nhân khác xa hoàn toàn những gì ta xem trên phim của Hollywood, theo phóng viên Garamone.

Tướng Dunford thăm tàu ngầm Alaska mang tên lửa đạn đạo hạt nhân, một trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ (hai chân kiềng hạt nhân kia gồm máy bay ném bom mang bom hạt nhân, và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng từ hầm ngầm - ICBM).

USS Alaska là tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio hạ thuỷ năm 1986. Tàu dài 170 m, ngang rộng nhất 13 m, thuỷ thủ và sĩ quan trên con tàu này lên đến 155 người.

Mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang 24 quả tên lửa đạn đạo Trident, mỗi tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân với sức công phá mỗi đầu đạn đủ sức huỷ diệt cả một thành phố.

Tướng Dunford thăm tàu ngầm hạt nhân USS Alaska, lớp Ohio ngày 20.5.2016 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Thuỷ thủ vẫn làm việc khi tàu ngầm cập cảng - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Duy trì khả năng răn đe hạt nhân là trách nhiệm lớn của thuỷ thủ tàu ngầm hạt nhân Mỹ, do vậy họ rất nghiêm túc trong nhiệm vụ, vì lơi lỏng hay sơ sẩy sẽ trả giá rất lớn. Con tàu đậu ở cảng, và các thuỷ thủ đang tất bật làm việc bên ngoài thân tàu.

Phóng viên Garamone cho biết khi tiếp cận tàu và vào bên trong, ông phải trải qua các khâu kiểm tra an ninh gắt gao, và nói có thể bị bắn nếu ông lôi trong túi ra một chiếc iPhone khi đang thăm tàu!

Đầu tiên là leo một cầu thang xoắn ốc để vào trong tàu. Một khi vào bên trong, trông như bạn đã vào một cửa hàng bán máy móc với cơ man ống, dây điện, đồng hồ đo, các cửa khoang hình tròn và các loại máy móc chưa biết đến được nhồi nhét đầy thân tàu. Điều quen thuộc duy nhất phóng viên này thấy là chiếc máy chạy bộ. "Chúng tôi cố gắng để giữ dáng cơ thể khi đi tuần tra trên tàu hàng tháng", hướng dẫn viên nói với đoàn tham quan.

Lối đi chật hẹp, hai bên thành tàu và trên trần đầy ống dẫn, dây điện, máy móc… - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Tướng Dunford phải qua nhiều cửa thế này để vào từng khoang - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Đi bộ qua các lối đi trong tàu là cả một kinh nghiệm. Các thủy thủ thì không có vấn đề gì, nhưng với một người béo, già như phóng viên Garamone thì rất vất vả vì lối đi chật hẹp, và có người nào đó đi ngược chiều thì ông chỉ còn cách nín thở ép sát mình vào một bên.

Khi hỏi thăm nơi 155 người trên tàu sống ở đâu, người hướng dẫn cho biết "họ ở xung quanh các máy móc thiết bị".

Ông ta vén tấm màn cho phóng viên thấy 1 khu nghỉ ngơi, nhỏ như cái phòng tắm nhưng có đến 9 cái giường tầng phân thành 3 dãy. Mỗi thuỷ thủ có một không gian riêng nhỏ tẹo để cất giữ đồ cá nhân, và chỉ có thể nhét được… một chiếc giày, theo ước tính của phóng viên.

Khu nghỉ ngơi của thuỷ thủ, một gian bé tẹo thế này có đến 9 giường tầng, luân phiên sử dụng - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Con tàu phục vụ ăn uống cho cả 155 người rất tốt, nhưng không đủ chỗ cho họ nghỉ ngơi cùng lúc, mà chỗ ngủ là thay phiên.

Đoàn được tham quan phòng ngư lôi, và mọi người phải leo lên leo xuống các cầu thang để thấy cuộc sống bên trong một tàu ngầm khó khăn vất vả thế nào. Đoàn nhà báo không được thăm phòng chỉ huy hay phòng động cơ hạt nhân của tàu vì lý do an ninh, trừ tướng Dunford.

Một chuyến tuần tra thông thường của tàu ngầm hạt nhân như Alaska kéo dài 3 tháng. “Chúng tôi tự sản xuất ô xy, lọc nước biển lấy nước sinh hoạt, nhờ có lò phản ứng hạt nhân trên tàu cung cấp năng lượng để chạy tàu và các loại máy móc. Điều hạn chế duy nhất là thực phẩm cho thuỷ thủ đoàn”, sĩ quan chỉ huy tàu giải thích.

Chuyến tuần tra dài nhất mà sĩ quan chỉ huy tàu này từng trải qua kéo dài 87 ngày, nhưng một sĩ quan khác cho biết anh từng tham gia chuyến tuần tra dài đến 109 ngày, hoàn toàn dưới lòng biển.

Tướng Dunford tham quan phòng ngư lôi trên tàu ngầm Alaska - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Tướng Dunford sau đó thăm trung tâm huấn luyện tàu ngầm trên bờ ở Kings Bay. Trung tâm này là nơi huấn luyện cho kíp thuỷ thủ khác của tàu ngầm khi kíp kia lên tàu đi tuần tra. Trung tâm huấn luyện đào tạo thuỷ thủ mọi thứ, từ điều khiển tàu đến kỹ năng cứu hoả, thoát hiểm, phóng tên lửa hạt nhân Trident, phóng ngư lôi…

Tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm trung tâm huấn luyện tàu ngầm ở Kings Bay, bang Georgia ngày 20.5.2016 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio như chiếc Alaska này mang 24 quả tên lửa đạn đạo Trident, mỗi tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân, và đó là tuyến phòng thủ từ xa của Mỹ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 

Các thủy thủ tàu ngầm hạt nhân gánh trọng trách phòng thủ cho nước Mỹ từ xa, và còn gọi đó là nhiệm vụ thầm lặng. Đó là tuyến phòng thủ mà không có kẻ thù nào muốn vượt qua họ. "Hy vọng chúng ta không bao giờ cần đến chúng, nhưng nếu chúng ta làm, thì các thuỷ thủ này luôn sẵn sàng", tướng Dunford nói với cánh nhà báo đi cùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.