Không né tránh vấn đề nhạy cảm, đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu là 2 vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại cuộc hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí cách mạng VN truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” do Hội Nhà báo VN, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức ngày 18.6.
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nhìn lại 30 năm đổi mới của đất nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cả về nội dung và hình thức, từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện cả nước có 849 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử và 1 hãng thông tấn quốc gia. Nguồn nhân lực báo chí trung bình hằng năm tăng khoảng 6,5%. Nếu như năm 2009 chỉ có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay số lượng này khoảng 35.000 người. Trong đó có gần 18.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ nhà báo. Đến năm 2014, tỷ lệ nhân lực có trình độ ĐH là khoảng 91% và trên ĐH là 4,9%.
|
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của báo chí như: vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên...
Đề cập đến vấn đề nhạy cảm của báo chí, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ: “Lâu nay một số cơ quan báo chí thường né tránh vấn đề nhạy cảm, không viết, không nói, không nghiên cứu, sợ viết sai, sợ bị định kiến đụng chạm, đánh giá... Chúng ta thường bảo nhau phải tránh né những vấn đề nhạy cảm. Trong đời sống xã hội, những vấn đề nhạy cảm thường là những vấn đề không bình thường, nhiều người quan tâm. Đó là những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi phải có câu trả lời”.
Theo ông Hoàng, lẩn tránh vấn đề nhạy cảm là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, đây cũng là biểu hiện của thiếu năng lực, thiếu tự tin. “Xác định vấn đề nhạy cảm là để tập trung "xông" vào giải quyết chứ không phải tránh xa. Cuộc sống cần chúng ta "xông" vào vấn đề nhạy cảm. Tất nhiên, "xông" vào không chỉ cần có dũng khí mà còn cần trí tuệ, các quan điểm đúng đắn và cả một hậu phương vững mạnh. Né tránh những vấn đề nhạy cảm cũng có nghĩa chỉ giải quyết những vấn đề bình thường”, ông Hoàng nói.
Bình luận (0)