(TNO) Giáo hội Công giáo đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa hiếm gặp sau khi Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố thoái vị. Dưới đây là một số câu trả lời về cuộc sống của Giáo hoàng Benedict sau khi về hưu vào ngày 28.2, theo BBC.
1. Danh xưng và tước vị
Giáo hoàng Benedict sẽ được gọi là Giáo hoàng danh dự (Pope emeritus) sau khi thoái vị, theo thông báo của Vatican vào hôm 26.2. Ông sẽ tiếp tục sử dụng tông hiệu Benedict XVI, thay vì sử dụng lại tên cũ Joseph Ratzinger và sẽ được gọi một cách kính cẩn là “Đức Thánh cha” Benedict XVI. Emeritus là từ tiếng Latin có nghĩa là về hưu.
2. Nơi ở của Giáo hoàng
Giáo hoàng Benedict sẽ rời thành Vatican bằng trực thăng trước khi chính thức thoái vị vào lúc 20 giờ, giờ địa phương ngày 28.2 (2 giờ ngày 1.3, giờ Việt Nam) song khoảng ba tháng sau ông sẽ trở lại nơi ở mới được biết với tên gọi Nữ đan viện chiêm niệm Mater Ecclesiae nằm ở nội thành Vatican. Trong thời gian chờ Nữ đan viện được tu sửa, ông sẽ ở lại dinh thự của giáo hoàng ở Castel Gandolfo, nằm phía nam thành phố Rome.
3. Phẩm phục
Giáo hoàng danh dự sẽ tiếp tục mặc phẩm phục trắng thay vì áo chùng đen dành cho các giáo sĩ bình thường hay bộ phẩm phục đỏ của hồng y. Tuy nhiên, đó chỉ là áo chùng đơn giản, không kèm theo đồ trang sức. Ông sẽ không dùng đôi giày đỏ đặc trưng mà thay vào đó mang đôi giày nâu được những người thợ thủ công ở Mexico trao tặng trong chuyến thăm đất nước này vào năm ngoái.
4. Nhẫn ngư phủ
Nhẫn ngư phủ của giáo hoàng sẽ được đập vỡ bằng một chiếc búa bạc đặc biệt khi giáo hoàng thoái vị. “Những vật dụng hoàn toàn gắn với ngai tòa Thánh Peter sẽ bị hủy”, theo Vatican. Con dấu cá nhân của giáo hoàng cũng sẽ bị hủy.
5. Nhiệm vụ chính thức
Giáo hoàng Benedict XVI sẽ không có trách vụ chính thức nào. Ông sẽ không tham gia Mật nghị Hồng y bầu ra người kế vị (như mọi hồng y trên 80 tuổi).
|
6. Cuộc sống về hưu
Khi thông báo thoái vị, Giáo hoàng nói ông sẽ chuyên tâm cầu nguyện cho Giáo hội. Anh trai của Giáo hoàng, ông Georg Ratzinger cũng nói Giáo hoàng sẽ rất vui lòng được cố vấn cho người kế vị nếu được yêu cầu.
7. Mạng xã hội
Tài khoản Twitter của Giáo hoàng Benedict (@Pontifex) cùng 8 phiên bản ngôn ngữ khác dự kiến sẽ được khóa khi ông thoái vị. Giáo hoàng dự kiến sẽ đăng dòng tweet sau chót trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng vào hôm nay, 27.2, để nói lời tạm biệt với 2,5 triệu người đăng ký theo dõi từ khi ông mở tài khoản Twitter vào cuối năm ngoái.
8. Lương hưu
Với tư cách giám mục, ông sẽ được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe cá nhân hào phóng của Vatican và nhiều khả năng sẽ phải trông cậy vào đội ngũ bác sĩ hiện chăm sóc cho ông. Vì chưa có giáo hoàng nào thoái vị trong 600 năm qua nên chưa có tiền lệ về lương hưu của giáo hoàng song luật Hội thánh buộc mỗi giáo phận phải chi trả trợ cấp cho các giáo sĩ về hưu. Chắc chắn giáo phận Rome lãnh phần chăm nom cho Giáo hoàng danh dự.
9. Thư ký của Giáo hoàng
Thư ký riêng của Giáo hoàng Benedict, Tổng giám mục Georg Ganswein sẽ tiếp tục phục vụ giáo hoàng. Tuy nhiên, ông cũng sẽ giữ vai trò Chủ tịch Phủ Giáo hoàng cho người kế vị của Giáo hoàng Benedict.
10. Bất khả ngộ
Đặc sủng "Bất khả ngộ" (không thể sai) thường bị đa số hiểu nhầm là Giáo hoàng không bao giờ sai trong mọi lời nói và việc làm. Song thực tế, Công đồng Vatican đệ nhất vào năm 1870 quy định các giáo huấn của giáo hoàng chỉ mang tính không thể sai khi được ban ra “từ ngai tòa” (ex-cathedra, tức khi Giáo hoàng sử dụng uy quyền của người lãnh đạo Giáo hội) và chỉ để minh định những vấn đề thuộc lĩnh vực đức tin và luân lý.
Giáo hoàng Benedict XVI chưa bao giờ viện đến đặc sủng bất khả ngộ và thực tế chỉ có một lần đặc sủng bất khả ngộ được sử dụng kể từ năm 1870. Khi thoái vị, Giáo hoàng Benedict sẽ không còn có thể đưa ra những giáo huấn “từ ngai tòa” và do đó sẽ không còn đặc sủng bất khả ngộ.
Sơn Duân
>> Giáo hoàng ban phước lần cuối
>> Tiết lộ chấn động về chuyện Giáo hoàng thoái vị
>> Giáo hoàng có thể tổ chức sớm mật nghị
>> Luật bầu giáo hoàng có thể được thay đổi
>> Giáo hoàng Benedict XVI bắt đầu lui về ở ẩn
>> Giáo hoàng kêu gọi cầu nguyện cho ông và người kế nhiệm
>> Quyết định lịch sử của Giáo hoàng
>> Giáo hoàng chủ tế thánh lễ cuối cùng trước công chúng
>> Giáo hoàng Benedict XVI xuất hiện trước công chúng
Bình luận (0)