Cuộc sống đầy những bất ngờ (*)

17/01/2012 01:51 GMT+7

Tuyển tập Văn Mới 2011 là cuộc hội ngộ đông vui của nhiều thế hệ nhà văn, với 26 truyện ngắn mới in lần đầu trong năm 2011. Có những bậc trưởng lão làng văn nhưng cũng có những tác giả lần đầu góp mặt trong tủ sách.

Tuyển tập Văn Mới 2011 là cuộc hội ngộ đông vui của nhiều thế hệ nhà văn, với 26 truyện ngắn mới in lần đầu trong năm 2011. Có những bậc trưởng lão làng văn nhưng cũng có những tác giả lần đầu góp mặt trong tủ sách.

Văn Mới 2011 tiếp tục đem tới cho người đọc những phát hiện thú vị từ phong cách của từng nhà văn, cả ở cách dựng truyện và văn phong. Có những truyện khiến người ta phải bật cười với những bất ngờ thâm thúy, hóm hỉnh; nhưng cũng có những truyện khiến tâm trí người đọc cứ lướng vướng mãi những câu hỏi, những trở trăn.

Cùng có tên Mảnh đạn, hai truyện ngắn của Ma Văn Kháng và Mường Mán dựng lại cuộc đời của hai người lính, giống nhau ở mảnh đạn còn găm lại trong máu thịt, nhưng khác nhau cũng ở chính “vết thương” không lành đó. Một người sau khi gắp mảnh đạn khỏi cơ thể đã có chút gì đó giống như nhớ tiếc và đã bước lên tàu trong ý nghĩ “cuối chuyến tàu này quân lao nào đang chờ, đội ngũ lao công đào binh nào đang sẵn sàng”. Còn người lính kia, vết thương hậu chiến còn đáng sợ hơn nhiều. Mảnh đạn cứ xoáy vào trái tim điên loạn của đứa con trai hai lần bị phản bội, và nhất là trong trái tim người mẹ bất hạnh với câu gào khóc làm kinh động lòng người: “Ối con ơi, sao mày lại không chết hồi ấy, hả Tự ơi…!”…

Có nhiều tiếng cười, nhưng là cười ra nước mắt, trong một số truyện rất đời, rất thời cuộc, với vô số những sự kiện đầy tính châm biếm, thật trăm phần trăm mà cứ tưởng như bịa. Đó là sự lẫn lộn cái bình thường thành cái không bình thường, và cái không bình thường thành cái bình thường. Ráp Việt (Lê Minh Khuê) là câu chuyện về cái chết của một cô gái trẻ, một sản phẩm thu - phát rất đạt chuẩn, từ phản ứng “tự vệ” của một anh chàng cũng thuộc thế hệ cô, nhưng lại chọn kiểu phát - ngôn - bằng - hành - động chứ không thèm sử dụng lời nói gió bay. Người nhẹ vía (Nguyễn Thế Hùng) là bức chân dung biến ảo của một nông thôn đang đô thị hóa, bức biếm họa sắc nét về tính thực dụng hồn nhiên của đám đông dân dã, nhưng khi lọt vào quỹ đạo của tầng lớp thị - dân - hàng - nhái thì lại trở nên vô cùng kệch cỡm.

Ba truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hồ Anh Thái, Nguyễn Danh Lam đều là những truyện hiện đại và rất có sức gợi. Chiếc quần bó quá chặt gây tai nạn chết người đã báo động một điều tất yếu: cái gì quá chật hẹp, quá bó buộc thì chỉ đem tới những kết quả tồi tệ (Phiên bản khác về người đàn ông ăn rau răm). Còn những khách sạn Hà Nội ban đêm kia không bỗng dưng biến mất, chúng chỉ biến mất sau cách đối xử lạnh lẽo, thiếu vắng cả tình cảm lẫn trách nhiệm của những người không chịu hiểu với hoạt động du lịch, ưu tiên một phải là văn hóa (Thành phố đêm không có khách sạn). Nỗi bất an của một người đang chờ Giấy gọi là rất hiển nhiên, cho dù không thể biết nội dung của giấy gọi là gì. Nó gây căng thẳng đến mức làm đứt tung khả năng chịu đựng của người đang chờ đợi, khiến anh ta phải bỏ đi trước cả khi “giấy gọi” đến, tự mình nạp mạng mà chẳng cần ai áp tải.

Còn nhiều bất ngờ hấp dẫn khác, mang đến từ Trang Hạ, Mạc Can, Tô Hải Vân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Ngọc Liên, Hạo Nguyên, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần… Mỗi người một vẻ, họ góp phần tái khẳng định một điều: truyện ngắn vẫn tiếp tục là thế mạnh của văn học Việt Nam.

Ngô Thị Kim Cúc

(*) Đọc Văn Mới 2011, tuyển văn xuôi nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn và Công ty văn hóa Đông A ấn hành, nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.