Cuộc sống khốn khó của lao động nhập cư ở Singapore

Văn Khoa
Văn Khoa
25/04/2019 10:00 GMT+7

Để có tiền gửi về quê nhà, nhiều lao động nhập cư ở Singapore phải nhịn ăn nhịn mặc, làm việc tới 12 giờ và thường xuyên đối diện nguy cơ bị bóc lột.

Trong cuộc trò chuyện với tờ South China Morning Post (SCMP), anh Mominul Hassan chia sẻ mỗi khi gọi điện về cho vợ và 2 con ở Bangladesh, anh không dám gọi điện thoại video. Đây là cách để gia đình không phải thấy anh đã gầy đến mức nào kể từ khi đến Singapore làm công nhân xây dựng cách đây 8 năm. “Nếu nhìn thấy tôi thế này, vợ con sẽ buồn lắm. Tôi rất nhớ nhà nhưng cần kiếm đủ tiền trước khi về”, Hassan (32 tuổi) tâm sự. Trước khi đến Singapore, anh Hassan nặng 65 kg, nhưng hiện chỉ còn 55 kg.
Anh Hassan không phải là trường hợp cá biệt ở Singapore. Theo SCMP, ngành xây dựng trị giá gần 22,5 tỉ USD (522.000 tỉ đồng) của nước này phụ thuộc vào số lượng lớn công nhân đến từ Ấn Độ, Bangladesh và các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, do Singapore không quy định mức lương tối thiểu, lao động nhập cư thường chỉ được trả 13 - 15 USD cho một ngày làm việc từ 10 - 12 tiếng. Phần lớn họ phải làm thêm giờ và ăn uống kham khổ để dành dụm. Một số người khác thì đăng ký suất ăn với các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn giá rẻ. Về lý thuyết, giải pháp này có vẻ hợp lý. Với giá 90 - 110 USD/tháng, doanh nghiệp giao 3 bữa ăn/ngày tới tận khu nhà ở dành cho công nhân hoặc công trường xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế, thức ăn thường ít ỏi và thiếu dinh dưỡng, đôi khi còn bị ôi thiu.
Nhằm tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp chế biến món ăn trước và giao hàng cho cả 2 bữa ăn sáng và trưa cùng lúc. Hệ quả là công nhân phải ăn thức ăn được nấu từ 6 - 8 tiếng trước đó. “Đồ ăn lúc mới giao vẫn còn nóng nhưng đến khi ăn thì đã hỏng. Tôi thường bỏ lại phân nửa phần cơm vì không thể ăn nổi”, anh Hassan cho hay. Nhiều công nhân buộc phải để bụng rỗng và uống nước tăng lực nhằm quên đi cơn đói, giữ đầu óc tỉnh táo làm việc.
Với 1,5 triệu lao động nước ngoài đang làm việc ở Singapore, cung cấp dịch vụ thực phẩm là ngành kinh doanh béo bở nhưng cạnh tranh rất khốc liệt. Các doanh nghiệp đua nhau giảm giá vì biết đối tượng khách hàng họ nhắm đến ưu tiên giá cả hơn chất lượng, từ đó kéo theo chất lượng bữa ăn giảm sút và nguyên liệu không bảo đảm vệ sinh. “Tiền nào của đó thôi. Đây không phải là lỗi của bên cung ứng và cũng không phải lỗi của người lao động”, ông Sukkur Maideen, quản lý căn tin và siêu thị tại một khu nhà ở dành cho công nhân, nói với SCMP.
Trong khi đó, các nhân viên phúc lợi xã hội và những nhóm vận động vì quyền lợi của người nhập cư kêu gọi chính phủ và chủ sử dụng lao động quan tâm cải thiện tình cảnh của công nhân. Theo nhà hoạt động Debbie Fordyce, chủ công trình phải có trách nhiệm đảm bảo công nhân được tiếp cận dịch vụ thực phẩm đáng tin cậy hoặc xây khu bếp ăn có đầy đủ đồ dùng cơ bản để họ tự nấu. Hiện chính phủ Singapore chưa có phản ứng chính thức về những thông tin trên, nhưng Reuters dẫn lời giới chức khẳng định nước này là điểm đến phổ biến của lao động nhập cư vì “lương cao và người lao động được bảo đảm quyền lợi”.
[VIDEO] Lao động trẻ Việt đương đầu với khó khăn nơi "đất hứa" Nhật
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.