Tôi không tin là mình không thể
|
Tôi bị teo cơ toàn thân. Mấy năm liền tôi chỉ nằm một chỗ, hễ đứng dậy là ngã sóng xoài trên mặt đất. Hai tay tôi run run nên cầm, nắm cái gì cũng khó. Tuổi thơ bay nhảy của tôi vụt mất. Cuộc sống nông thôn lúc bấy giờ gia đình nào cũng tất bật lo miếng cơm, manh áo. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Cha mẹ tôi đầu tắt mặt tối làm việc. Chị em chúng tôi đứa lớn dìu đứa bé trưởng thành. Những tháng ngày đầu tiên sau cơn bệnh, tôi chỉ ngồi một mình ngoài hiên trông theo lũ bạn.
Bắt đầu tuổi đi học, các chị đưa tôi đến trường, bạn bè và thầy cô thay nhau đưa tôi về nhà. Dù thế tôi cũng không thể tránh khỏi những lời trêu đùa, nghịch ngợm của chúng bạn: “Ê, què! Ha…a…”. Cứ thế các bạn hùa nhau trêu tôi. Lúc đầu tôi buồn lắm, cúi gằm mặt và lê bước lên lớp trong im lặng. Mẹ tôi bảo: “Dần dần rồi mọi người cũng sẽ quen thôi con”. Trong suy nghĩ, tôi không muốn để như thế, tôi phải khiến các bạn nhìn khác đi. Tôi chăm chút cho bài học. Thời gian ở nhà, tôi mang sách vở tập đọc to, rõ ràng. Với môn toán, tôi làm và kiểm tra tỉ mỉ, luôn nhắc nhở mình không được sai. Thành quả của tôi là luôn dẫn đầu trong lớp lúc bấy giờ và cô giáo phân cho tôi làm lớp phó học tập. Tôi cũng không quên phát huy khả năng trong các kỳ thi học sinh giỏi, dù rằng tôi luôn dừng ở giải khuyến khích của huyện, tỉnh nhưng tôi đã để lại trong lòng thầy cô và các bạn một cái nhìn khác: thay vì “Ê, què!” thì các bạn đã trìu mến gọi tôi: “Lớp phó!”. Những bước chân khó nhọc đã mang tôi đi hết những năm tháng THCS.
Đột ngột nhà tôi xảy ra biến cố, cha tôi làm ăn bị phá sản, nhà cửa đồ đạc bị người ta xiết nợ hết. Ngày nào cũng như ngày ấy, gia đình tôi luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Cả gia đình 8 người chúng tôi phải sống tạm bợ trong căn chòi bằng cót thưng và chạy gạo ăn từng bữa. Tôi cố gắng để cân bằng mọi thứ một cách khó khăn. Những tháng ngày gia đình gặp chuyện, tôi nghĩ mình phải làm được điều gì đó cho gia đình và cho chính bản thân mình. Tôi càng quyết tâm phải học hành đỗ đạt.
Năm 2005, tôi thi vào Học viện Hành chính và… rớt, tuy không ai nói gì nhưng tôi nhận thấy sự thất vọng tràn trề trong mắt của tất cả các thành viên trong gia đình. Tôi ở nhà chăm hai đứa em, lo cho chúng ăn và dạy chúng học để cha mẹ yên tâm làm kinh tế. Tự ôn để thi lại, tôi nhất quyết không từ bỏ. Kỳ thi năm 2006, tôi lại rớt thêm lần nữa. “Chẳng lẽ sức tôi chỉ thế này thôi sao?”, tôi đã tự vấn mình như thế khi nhìn thấy các bạn đồng trang lứa mang hành trang bước vào đại học. Ai đó đã nói rằng “học vấn là con đường khôn ngoan”, tôi không tin là mình không thể. Tôi xem lại cách học của mình, thả cho đầu óc mình thư thái, bỏ qua mọi áp lực và vấn đề cá nhân khi ngồi học (kiểu như là mặc kệ vậy). Năm 2007, tôi đã đậu vào trường mình mong muốn: Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở tại TP.HCM). Tôi bước vào đại học với bao niềm hạnh phúc, sung sướng của bản thân và tự hào của gia đình và họ hàng.
Còn con đường là tôi còn bước đi
Ngày ngày đến phòng học ở tầng 4, tôi không đồng ý cho bạn cõng mà đi sớm hơn 20 phút để leo cầu thang. Chỉ hôm nào ốm, tôi mới miễn cưỡng cho các bạn cõng lên để giữ sức khỏe mà thi. Mọi người nhìn tôi ái ngại xen lẫn cảm phục. Còn với tôi, đó là thử thách, có gì đâu khi sức tôi còn có thể, tôi luôn muốn được khẳng định mình.
Tôi bắt đầu tham gia những buổi sinh hoạt ở Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD). Tôi nhận thấy ở đây mỗi bạn một kiểu khuyết tật nhưng ai cũng “pro”. Người đầu tiên mà tôi ấn tượng là Nguyễn Thanh Tùng khi thấy anh đang phiên dịch tiếng Anh lưu loát, phong thái điềm tĩnh, tự tin. Giờ đây anh còn phụ mẹ nuôi cô em gái đang học đại học. Và tôi được gặp thêm một người nói tiếng Anh cũng không kém là chị Huỳnh Ngọc Bích - từ chị toát lên một phong cách năng động. Và em Lê Minh Duy - chiến sĩ tin học trong lòng tôi. Minh Duy chỉ còn cử động với hai bàn tay rất yếu nhưng em đã tốt nghiệp đại học và kiếm hơn 1.000 USD mỗi tháng... Nơi đây vẫn có những con người khuyết tật đang làm việc bằng chính năng lực của mình. Đặc biệt nhất là sự gặp gỡ với thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến - Giám đốc DRD. Nhìn lại chặng đường chị đã đi và những gì chị đã làm được khi sáng lập DRD đã giúp tôi thêm củng cố niềm tin vượt khó. Tôi đi học chuyên cần hơn và năng nổ tham gia các phong trào ở trường. Dấu ấn mà tôi để lại là tự đàn organ và hát bài Mơ một hạnh phúc. Tôi trở thành tấm gương nghị lực cho sinh viên trong trường và được nhà trường công nhận là nữ sinh học viện tiêu biểu.
Giờ đây tôi đang làm việc tại đội kê khai - kế toán thuế thuộc Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM. Ngoài giờ hành chính, tôi đi hát và năng nổ tham gia các hoạt động xã hội. Cuộc sống với tôi luôn là chuỗi những thử thách cần tôi kiên nhẫn và sáng suốt vượt qua. Với tôi, chỉ cần còn hy vọng là còn phấn đấu, còn con đường là tôi còn bước đi.
Nguyễn Thị Thơm (*)
(*) Tác giả tự viết về mình và bài viết đoạt giải nhất Cuộc thi Gương nghị lực phi thường do Báo Thanh Niên và Tôn Hoa Sen tổ chức.
>> Chàng trai tí hon tiếp nghị lực sống
>> Hỗ trợ thanh niên học nghề và tìm kiếm việc làm
>> Hỗ trợ các đội, nhóm thanh niên
>> Hơn 200 bạn trẻ đạp xe cổ vũ thanh niên sống đẹp
Bình luận (0)