Cuộc sống mới của Aisha Perveen

05/09/2006 20:37 GMT+7

Cô đã bị bắt cóc, chụp thuốc mê, rồi bị bán vào nhà thổ - nơi cô phải chịu cảnh đọa đày suốt 5 năm trời. Nhưng điều ấn tượng nhất ở Aisha Perveen không phải là cô đã trốn thoát mà là cô không bao giờ ngừng đấu tranh vì tự do.

14 năm đầu đời, Aisha Perveen sống với gia đình trong ngôi làng ở miền tây bắc hoang dã của Pakistan, yên vui hưởng một cuộc sống của nhà nông và là đứa con được thương yêu trong nhà. Một ngày, trên đường đến trường như mọi hôm, cô bé đã bị tấn công bằng một cú đánh mạnh đến bất tỉnh - và những năm sau sự việc này, cuộc đời cô đã không còn như trước. 

Khi Aisha tỉnh lại, cô bé thấy mình đang bị nhốt trong nhà thổ ở tỉnh Khanpur, cách nhà cô hàng trăm kilômet: "Tôi không nhớ mình đã bị gì và mình ở đâu. Khi thuốc mê tan đi, tôi được báo cho biết là phải làm gái điếm". Aisha không chấp nhận. Cô bé gào thét đòi về nhà với cha mẹ, đồng thời chống trả lại những gã trai bước vào phòng buộc cô phải khuất phục. Chủ nhà thổ là một gã có tên Mian Sher; cũng như Aisha, hắn là thành viên bộ tộc Pashtun. Mian Sher phạt cô bé bằng cách đánh đập và tra tấn. Có lúc hắn còn dí những cái kẹp nóng vào chỗ kín của Aisha nhằm bẻ gãy tinh thần của cô.

Những chuyện này là điều thường thấy ở Pakistan. Trong thực tế, khắp nơi trên thế giới, đã có nhiều bé gái vị thành niên bị bắt cóc và nhốt trong nhà chứa, bị hiếp dâm và bắt nạt. Những bé gái này luôn bị giam cầm nhiều năm để mua vui cho khách làng chơi, thậm chí cả khi chúng quá yếu ớt vì bị AIDS. Không thể thống kê hết con số trong trường hợp này, nhưng ước tính mỗi năm có hàng trăm ngàn bé gái bị bán vào nhà chứa. Liên Hiệp Quốc tính rằng chỉ riêng tại châu Á đã có 1 triệu trẻ em đang trong tình trạng nô lệ.

Aisha, năm nay 20 tuổi, là cô gái mảnh khảnh mau cười, mau nước mắt. Mian Sher đã không đạt được mục đích của hắn dù đã dùng đủ cách. Aisha vẫn chống trả dù trong những năm đó, không ngày nào cô không bị Mian Sher và vợ hắn đánh đập. Suốt 6 năm trời, Aisha bị nhốt trong cái nhà thổ này. Ban đêm, cô bị bắt phải ngủ trần vì bọn chúng nghĩ rằng khi cơ thể không quần áo, cô sẽ xấu hổ, không dám trốn thoát. Cũng có hai bé gái kháng cự như Aisha, và cô tin rằng, sau này họ đã bị giết chết. Trong bất cứ trường hợp nào, cái chết là kết quả đương nhiên cho tất cả bé gái trong nhà thổ của Mian Sher: chết vì bị đánh đập, chết vì không dùng bao cao su phòng AIDS...

Sau 6 năm bị giam cầm, đầu năm 2006, Aisha đã có dịp may. Một anh thợ tên Mohamed Akram làm việc trong nhà thổ khi gặp Aisha đã cảm thương cô. Cô năn nỉ anh giúp mình trốn. Tình cảm giữa hai người dần lớn lên theo từng ngày, và cả hai bàn kế hoạch trốn thoát. Vào đêm 5.1.2006, Aisha tỉnh dậy, lặng lẽ mặc quần áo mình đã bí mật giấu kín và bước nhẹ qua Mian Sher (giường hắn đặt giữa nơi Aisha ngủ và cửa ra vào). Cô ra khỏi nhà thổ, khóa cửa nhốt Mian Sher bên trong. Sau đó, cô chạy thục mạng ra đường cái, nơi có Mohamed Akram đang đợi sẵn trong xe hơi. Và ngày hôm sau, họ cưới nhau.

Có vẻ như Aisha đã bắt đầu một cuộc sống mới đầy hạnh phúc. Nhưng những chủ nhà thổ ở Pakistan lại rất nhiều quyền lực, luôn lót tiền cho cảnh sát. Mian Sher đã đến sở cảnh sát, nói Aisha là vợ nhì của hắn và việc trốn thoát với Mohamed chứng tỏ cô ngoại tình. Cảnh sát tung lệnh truy nã Aisha, trong khi bọn tay chân của Mian Sher tìm cách bắt cóc cô lại. Đúng lúc này, Aisha gặp nhà văn từng đoạt giải Pulitzer, Nicholas D.Kristof - người đã kể lại câu chuyện đời của Aisha. Aisha tin rằng nếu mình lại rơi vào địa ngục đó, cô sẽ bị cưỡng hiếp, đánh đập và giết chết. Nhà văn Kristof một mình đến nói chuyện với Mian Sher. "Hắn đầu trọc, có vẻ rất thế lực, mời tôi uống trà. Hắn không nhận mình đang làm chủ nhà thổ mặc dù khách ra vào ngay trước mặt. Khi tôi hỏi tại sao hắn muốn tống Aisha vào tù, Mian Sher nói ngay: Đợi đến khi Aisha bị cảnh sát bắt, hắn sẽ đến chuộc cô ra vì hắn là chồng Aisha. Mian Sher nói thêm "rồi cô ấy sẽ lại là của tôi", Nicholas D.Kristof kể lại.

Phiên tòa xử vụ của Aisha sắp mở nên nhà văn Kristof mong sẽ làm được gì đó trước khi quá muộn. Ông đã viết trên tờ The New York Times kêu gọi tấm lòng của mọi người. Và nỗ lực này đã có kết quả: Chính phủ Pakistan ra lệnh bắt Mian Sher thay vì Aisha, rồi có rất nhiều độc giả gọi điện đến tòa soạn ngỏ ý giúp đỡ cô. Liên Hiệp Quốc mời Aisha đến dự hội thảo về buôn bán tình dục diễn ra tại Vienna, Áo. Rất lo lắng cho sự an toàn của mình, nhưng Aisha hy vọng đây là tín hiệu tốt cho tương lai. Mặc dù sức khỏe không còn tốt sau những năm sống trong nhà thổ, nhưng Aisha đã vạch kế hoạch cống hiến đời mình cho việc chống lại buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục... (Theo Marie Claire)

Minh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.