Chỉ trong không đầy 24 giờ đồng hồ sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11.3, một đội quân công nhân, kỹ sư đã được huy động đến bao bọc khu vực bị tàn phá, giống như hình ảnh các kháng thể vây quanh một con vi-rút để bảo vệ cơ thể. Đến cuối tuần qua, hàng trăm km đường sá từng bị thảm họa xé nát đã lại được thông xe, theo tờ Independent.
|
Các kỹ thuật viên, kỹ sư và công nhân đã làm việc với tốc độ phi thường, tập trung vào các trục đường cao tốc chính yếu để hỗ trợ việc chuyển hàng cứu trợ đến hàng trăm ngàn người đang cư trú trong các khu lều tạm. Giới tài xế xe tải tự nguyện làm tăng ca không ăn lương để nối lại giao thương giữa vùng phía bắc với phần còn lại của Nhật. Những phi trường ở vùng chịu thảm họa giờ đây mở cửa 24/24 giờ để tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ. Trong khi đó, giới hữu trách bắt đầu xây dựng những khu nhà mới dọc theo các thành phố biển ở tỉnh Iwate. “Chúng tôi cần phải tiến lên phía trước”, Independent dẫn lời ông Futoshi Toba, Thị trưởng thành phố Rikuzentakata.
Ông Toba là hình ảnh thu nhỏ của sự hy sinh thầm lặng và không nề hà cực khổ của hàng triệu người dân Nhật Bản. Trong hơn 2 tuần kể từ khi sóng thần quét qua thành phố của ông, cuốn theo 800 ngôi nhà và hàng ngàn người, viên thị trưởng làm việc không mệt mỏi để phần nào mang lại sự ổn định từ đống đổ nát. Trong số những nạn nhân có cả vợ của ông. “Bà ấy chắc hẳn sẽ muốn tôi tiếp tục làm việc”, Toba nói trên đài truyền hình địa phương. Ở xung quanh Tokyo và các vùng lân cận, hàng ngàn doanh nghiệp và hộ kinh doanh tự nguyện giảm bớt sử dụng điện để góp phần tiết kiệm điện.
Lời kêu gọi “nỗ lực đứng dậy”
Tình hình tại các khu bị sóng thần tàn phá vẫn còn rất thê lương. Những nhân viên cứu trợ vẫn không ngừng lùng sục trong các đống đổ nát để tìm thi thể các nạn nhân. Đến hôm qua, Sở Cảnh sát quốc gia Nhật thống kê đã có 10.668 người chết, 16.574 người mất tích, 7.740 thi thể đã được nhận dạng và 243.049 người đang ở các khu lều tạm.
Tuy nhiên, trong đống hoang tàn, sự hồi phục đã bắt đầu nẩy mầm. Hàng cứu trợ đang đổ đến vùng bị thiên tai, các dịch vụ như điện nước, điện thoại, bưu điện và ngân hàng cũng dần được nối lại. Thực phẩm được chuyển đến nhiều hơn và các nạn nhân đang cố gắng khôi phục sinh hoạt thường ngày. “Mọi việc đang tốt dần hơn mỗi ngày”, AP dẫn lời một người dân tại tỉnh Iwate, một trong những vùng bị tàn phá khủng khiếp nhất. Ông cho hay cơm nắm và nước đang dần được thay thế bằng thức ăn nóng.
Tất nhiên, đây đó vẫn có những lời chỉ trích cách điều hành của giới chức Nhật sau thảm họa, nhưng phần lớn người dân đều tỏ ra tin tưởng và đồng lòng với chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi “nỗ lực đứng dậy” của Thủ tướng Naoto Kan. Theo một cuộc khảo sát của Kyodo News được công bố hôm qua, hơn phân nửa số người được hỏi đã ủng hộ cách xử lý của chính phủ sau thảm họa động đất và sóng thần. “Nếu có một từ duy nhất để miêu tả người dân Nhật Bản hiện nay, đó là sự kiên định”, Independent dẫn lời Roger Pulvers, tác giả của hàng chục cuốn sách về Nhật Bản.
Cầu siêu cho nạn nhân động đất, sóng thần Hôm qua, tại chùa Phổ Quang (TP.HCM), Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM tổ chức đại lễ cầu siêu, cầu an và hội thu ủng hộ nạn nhân bị động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Tham dự lễ có chư tôn giáo phẩm Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, Ban đại diện Phật giáo 24 quận huyện, trụ trì chùa Nisshin Kustu của Nhật Bản là hòa thượng Zochimiju cùng đông đảo chư tôn đức tăng ni, phật tử...
Sau phần niệm hương cầu nguyện và cầu an cho các nạn nhân thiệt mạng và bị thương trong thảm họa, hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, tuyên đọc lời kêu gọi giới tăng ni, phật tử thành phố thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật, tình hữu nghị giữa hai quốc gia và giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Nhật Bản, hãy bằng hành động cụ thể đóng góp tài lực, vật lực chia sẻ một phần những mất mát đau thương mà dân tộc Nhật Bản đang gánh chịu. Cùng ngày, Ban đại diện Phật giáo các quận huyện, tăng ni, phật tử các chùa, tự viện trên địa bàn thành phố và các nhà hảo tâm cũng đóng góp số tiền gần 1,5 tỉ đồng, 21.000 yen Nhật và 720 USD giúp nhân dân Nhật Bản vượt qua khó khăn. Minh Nam |
Thụy Miên
Bình luận (0)