"Đây là một động thái có ý nghĩa đối với Hải quân Trung Quốc khi tiến hành tập trận chung với đối tác Nga trong dư âm phán quyết của Tòa trọng tài", chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh đưa ra nhận định về cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc, theo South China Morning Post ngày 15.9. Tòa trọng tài quốc tế hôm 12.7 đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nga và Trung Quốc tập trận hải quân chung hàng năm từ năm 2012. Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự ở Macau, ông Antony Wong Dong cho rằng Bắc Kinh và Moscow vẫn chưa thực sự thiết lập được "lòng tin song phương".
"Nga đưa các tàu chiến quan trọng và lớn nhất từ hạm đội Thái Bình Dương tham gia cuộc tập trận lần này, nhưng Trung Quốc lại không triển khai tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất lớp 052D, thay vào đó chỉ là tàu lớp 052B và 052C. Điều này cho thấy họ vẫn còn thiếu lòng tin với nhau”, ông Wong nhận định.
|
Nga đưa hai tàu khu trục chống tàu ngầm loại lớn Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov cùng với tàu đổ bộ Peresvet, tàu cứu hộ Alatau và 96 binh sĩ tham gia tập trận chung kéo dài 8 ngày, từ 12 - 19.9, theo Tân Hoa xã. Trong khi đó, người phát ngôn của Hải quân Trung Quốc, ông Liang Yang cho biết Trung Quốc huy động một lực lượng gồm 10 tàu chiến, 19 máy bay với 160 lính hải quân cùng các xe bọc thép lội nước.
Ông Li nói thêm rằng các tàu chiến của Nga được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1980, nhưng các tàu khu trục 052B lớp Quảng Châu và 052C lớp Trịnh Châu của Trung Quốc là tàu chiến thế hệ mới, gia nhập hải quân trong những năm 2000.
Cuộc tập trận này là cơ hội đầu tiên để vận hành hệ thống thông tin chỉ huy giữa Trung Quốc và Nga, người phát ngôn Liang nói trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần và cho biết thêm hệ thống này có khả năng gửi, nhận và chia sẻ thông tin giữa các kênh chỉ huy và các đơn vị chiến đấu.
Tuy nhiên ông Wong cho rằng cái gọi là hệ thống thông tin chỉ huy này lại bị giới hạn, chỉ để trao đổi dữ liệu radar và sonar (hệ thống thuỷ âm, dùng dò tìm tàu ngầm), không phải "liên kết dữ liệu chiến thuật", một loại hệ thống truyền thông tiêu chuẩn mà hải quân các nước thường sử dụng thông qua sóng vô tuyến hoặc dây cáp.
"Nếu so sánh với hệ thống liên kết dữ liệu Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, thì hệ thống thông tin chỉ huy giữ Trung Quốc và Nga cho thấy họ hầu như không có lòng tin với nhau", ông Wong kết luận.
Bình luận (0)