Cước tàu châu Á bắt đầu tăng vì căng thẳng Biển Đỏ

Chí Nhân
Chí Nhân
10/01/2024 12:00 GMT+7

Cập nhật mới nhất từ doanh nghiệp logistics cho biết: Tình trạng căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước tàu biển tăng mạnh đã bắt đầu lan sang các tuyến vận tải khu vực châu Á. Bên cạnh đó, đang xảy ra tình trạng mất cân bằng container vì thiếu vỏ container, nhất là các container hàng lạnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Maritime Services - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và giao nhận hàng hóa, cho biết không chỉ cước tàu tăng mà đang phát sinh thêm nhiều vấn đề khác liên quan.

Cước tàu châu Á bắt đầu tăng vì căng thẳng Biển Đỏ- Ảnh 1.

Thiếu vỏ container và cước phí các tuyến châu Á bắt đầu tăng theo tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nguyên nhân hiện nay, kênh đào Panama bị hạn hán nên các hãng tàu chuyển hướng qua kênh đào Suez hoặc xuống mũi Hảo Vọng. Thời gian vận chuyển kéo dài hơn 15 - 20 ngày so với lịch trình bình thường khiến giá cước tàu tăng. Bên cạnh đó, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển kéo dài, ảnh hưởng chung tới công suất vận hành toàn tuyến, cụ thể là tình trạng chậm trễ, khả năng quay vòng, bỏ sót xảy ra thường xuyên với những tuyến Trung Đông, Địa Trung Hải… khiến giá cước tàu tăng cao gấp đôi. Chi phí tăng do phát sinh các khoản như bảo vệ tàu, phụ phí chiến tranh. Những hợp đồng mà các hãng tàu ký với khách trước xung đột, giờ mới xuất hàng sẽ bị lỗ vì phải bù khoản chi phí này. Chính vì vậy, một số hãng tàu cắt giảm hoạt động và ưu tiên cho các tuyến xa như Mỹ và châu Âu làm cho tình hình càng thêm căng thẳng. Kéo theo đó là tình mất cân bằng vỏ container do thời gian vận chuyển kéo dài, quay vòng chậm.

Các tuyến trong khu vực châu Á, giá cũng bắt đầu tăng. Dự kiến, tình trạng này còn kéo dài đến hết quý 2/2024, gây nhiều thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cũng như thế giới.

Bà Huyền cho biết: Giá cước tăng khiến hoạt động xuất khẩu từ các thị trường như Việt Nam đình trệ, nhiều đơn vị không xuất được hàng. Ở chiều ngược lại, phía Mỹ vừa trải qua đợt nghỉ lễ dài ngày nên việc bốc dỡ hàng hóa cũng chậm chạp, hàng bị ùn ứ ở cảng nhiều ngày làm phát sinh nhiều chi phí. "Những điều này đẩy giá hàng nhập khẩu và phân phối ở thị trường Mỹ đang tăng cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng vào thị trường này đều hoạt động trong tình trạng cầm chừng để thăm dò chi phí và khả năng chấp nhận của thị trường", bà Huyền nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.