Cuộc thi sáng tạo Robot VN 2015: Sân chơi của bản lĩnh và trí tuệ

21/05/2015 10:30 GMT+7

Vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo Robot VN 2015 (Robocon VN 2015) đã khép lại với chiến thắng thuyết phục của những chàng trai đội FR1 đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo Robot VN 2015 (Robocon VN 2015) đã khép lại với chiến thắng thuyết phục của những chàng trai đội FR1 đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Trận chung kết giữa 2 đội FR1 và FIRE WIN đến từ Trường ĐH Sư phạm Hưng Yên - Ảnh: Bách Hợp
Nỗ lực được đền đáp
Robocon VN 2015 được tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng TP.Cần Thơ với sự tham gia của 32 đội tuyển đại diện cho 16 trường ĐH, CĐ, THCN trong cả nước. Đội vô địch FR1 được nhận phần thưởng trị giá 50 triệu đồng của Đài Truyền hình Việt Nam, 1.400 USD từ ABU (Ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương) và giải giải pháp hay nhất trị giá 20 triệu đồng. Đội FR1 sẽ đại diện cho VN tham gia Cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 tới.
Cuộc thi năm nay đã diễn ra với nhiều yếu tố bất ngờ khi các đội tham gia cân tài cân sức và có phương pháp thi đấu sáng tạo. Trong 4 đội lọt vào bán kết, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có đến 2 đại diện. ĐH Lạc Hồng, ngôi trường từng 5 lần vô địch quốc gia và giành giải nhất cuộc thi sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2014, chỉ có 1 đội trụ lại ở vòng này. Đội còn lại là đối thủ “nặng ký” đến từ Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Trận bán kết thứ nhất là cuộc rượt đuổi tỉ số giữa đội FR1 (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) và CN ĐT4 (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) với chiến thắng thuộc về đội FR1. Ở trận bán kết 2, dù được trang bị robot với 8 bộ vi xử lý và hệ thống lazer hiện đại, đội LH-SEED của Trường ĐH Lạc Hồng đành chấp nhận thất bại trước những cú phát cầu hiểm hóc của đội FIRE WIN (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên).
Như vậy, trong 14 năm tổ chức Robocon VN, lần đầu tiên có 2 đội đến từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cùng lọt vào trận chung kết. FR1 và FIRE WIN bước vào thi đấu với tâm lý thoải mái do am hiểu về robot cũng như kỹ thuật chơi của đối phương. Bằng bản lĩnh điều khiển robot, biết cách tận dụng những cú phát cầu bổng, ngang linh hoạt, đội FR1 đã vươn lên dẫn trước và giành chiến thắng trước đội FIRE WIN với tỷ số 5 - 3. Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, chỉ đạo viên đội FR1, cho biết: “Xuất thân từ một trường tỉnh lẻ nhưng thầy trò chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để giành được vị trí cao nhất tại cuộc thi. Chiến thắng này là niềm tự hào chung cho cả trường”.
Đề thi gắn với thực tiễn
Theo đánh giá của ban giám khảo, đề thi “Robot đánh cầu lông” năm nay có độ khó cao vì yêu cầu cả về công nghệ cũng như giải pháp thi đấu. Các đội tham gia phải thiết kế 2 robot đóng vai trò như 2 vận động viên, thi đấu đối kháng với các đối thủ khác. Trong trận đấu, mỗi đội lần lượt phát 6 quả cầu. Nhiệm vụ của các robot vận động viên này là thao tác chính xác để đưa cầu sang phần sân đối phương và ghi điểm cho đội mình. Các đội chơi phải tuân thủ luật thi đấu của môn cầu lông cũng như sử dụng các loại vợt theo tiêu chuẩn quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Tăng Cường, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, cho biết thay vì chỉ sử dụng robot tự động như những năm trước, tại cuộc thi năm nay, các đội phải kết hợp điều khiển robot bằng tay và robot tự động để giải quyết hiệu quả đề thi. Nếu trước đây robot được tập trung đầu tư vào công nghệ dò đường, tốc độ xử lý nhanh thì năm nay, kỹ năng phát, đón, đỡ cầu... mới là cần thiết. “Người điều khiển cần có bản lĩnh, tâm lý vững vàng để phát cầu thành công, dự báo hướng rơi của cầu để kịp thời điều chỉnh hoạt động của robot. Đội FR1 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tận dụng tốt những điểm này nên đã giành chiến thắng”, PGS-TS Cường nói. Ngoài ra, một điểm mới khác là đề thi lần này gắn liền với thực tiễn qua môn thể thao cầu lông, tạo điều kiện cho những sáng tạo của sinh viên có thể ứng dụng vào thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.