Sau khi Hiệp ước trao đổi lãnh thổ Ấn Độ - Bangladesh có hiệu lực, cuộc tranh cãi về chủ quyền phức tạp và kỳ lạ nhất thế giới đã kết thúc.
Giản đồ các khu đất của Ấn Độ và Bangladesh cùng phác họa sơ lược khu vực Dahala Khagrabari (ảnh nhỏ) - Ảnh: The Daily Star/Orkut - Đồ họa: Phúc Hải
|
Được ký kết từ tháng 6, Hiệp ước trao đổi lãnh thổ giữa Ấn Độ và Bangladesh đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua, giải quyết rốt ráo số phận 162 khu đất rải rác dọc biên giới hai nước. Cụ thể, Ấn Độ chuyển 111 khu đất thuộc chủ quyền của mình với tổng diện tích hơn 6.900 ha nhưng nằm lọt trong lãnh thổ Bangladesh cho nước láng giềng. Đổi lại, Bangladesh từ bỏ chủ quyền đối với 51 khu đất, tổng diện tích gần 2.900 ha, nằm trong lãnh thổ Ấn Độ.
Phần lớn các khu đất nói trên nằm ở huyện Cooch Behar thuộc bang Tây Bengal, Ấn Độ hoặc phân khu Rangpur của Bangladesh. Trong đó có những khu vực “lọt lòng” chủ quyền vô cùng phức tạp và tréo ngoe, dẫn đến nhiều hệ lụy mà các đời chính phủ hai nước không thể giải quyết trong một thời gian dài.
Độc nhất vô nhị
Theo báo mạng Business Insider, đến nay hầu như không còn thư tịch lịch sử nào chỉ rõ được nguồn gốc của tình trạng lãnh thổ kỳ lạ giữa Ấn Độ và Bangladesh. Truyền thuyết kể rằng đây là hậu quả từ sự “chơi ngông” của 2 lãnh chúa hồi thế kỷ 18 khi họ đặt cược chủ quyền các khu đất nói trên trong một trận đấu cờ. Tình hình cũng không đơn giản là vùng đất của nước này nằm trong lãnh thổ nước kia mà còn phức tạp hơn rất nhiều. Chẳng hạn, khu Chandrakhan thuộc chủ quyền Bangladesh nhưng bị bao quanh bởi khu Dasia Chharha thuộc chủ quyền Ấn Độ, trong khi Dasia Chharha lại nằm trong huyện Kurigram của Bangladesh.
Gây “điên đầu” nhất là khu Dahala Khagrabari rộng 7.000 m2. Trước ngày 1.8, trên giấy tờ, vùng đất này thuộc huyện Cooch Behar (Ấn Độ), nhưng lọt thỏm giữa làng Upanchowki Bhajni 110 của Bangladesh. Bản thân Upanchowki Bhajni 110 lại nằm trong làng Balapara Khagrabari thuộc chủ quyền Ấn Độ và ngôi làng Ấn Độ này bị bao quanh bởi thành phố Debiganj (Bangladesh). Chính vị trí có một không hai của Dahala Khagrabari khiến giới quan sát nhận định giữa hai nước tồn tại cuộc tranh chấp lãnh thổ kỳ lạ nhất thế giới.
Những sự kiện lịch sử như Anh rút khỏi Ấn Độ cùng sự ra đời của Pakistan năm 1947, rồi tỉnh Đông Pakistan tuyên bố độc lập khỏi Pakistan và đổi tên thành Bangladesh năm 1971 cộng thêm quan hệ phức tạp giữa 3 nước khiến mọi nỗ lực giải quyết vướng mắc bế tắc suốt mấy mươi năm qua. Không bên nào chịu để bên kia quản lý phần lãnh thổ bị tách rời của mình. Mãi đến nhân chuyến thăm Bangladesh hồi tháng 6 của Thủ tướng Ấn Narendra Modi, hiệp ước trao đổi lãnh thổ mới được phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 1.8.
“Thật sự tự do”
Trước ngày 1.8, các thỏa thuận về thị thực và hộ chiếu giữa các nước Nam Á đều “bỏ quên” hơn 50.000 người dân sống trong các vùng đất nói trên, theo tờ The Economist. Suốt nhiều thập niên, họ không được tiếp cận với trường học, bệnh viện, mất nhiều quyền cơ bản của công dân cũng như nằm ngoài các chương trình trợ giá nông sản, điện nước… của chính phủ hai nước, theo tờ The Economist. Mỗi khi cần chứng giấy tờ, họ phải “vượt biên”, chịu gánh tội nhập cảnh phi pháp, bị phạt lên phạt xuống mới đến được bang/tỉnh giữ quyền quản lý khu đất của họ để làm thủ tục. Nhiều người phải làm giấy tờ giả để được “xuất ngoại” đi học, khám chữa bệnh…
Ngoài ra, do cảnh sát nước này không mấy khi để ý đến vùng đất của nước kia nên các khu vực nói trên trở thành “thiên đường” của đủ loại tội phạm về tệ nạn.
Tình cảnh này cuối cùng cũng chấm dứt khi giới chức Ấn Độ và Bangladesh cắm quốc kỳ trên các phần lãnh thổ mới nhận về vào rạng sáng 1.8 trong tiếng hò reo của hàng ngàn người chứng kiến. Không ngăn được dòng nước mắt vì vui sướng, ông Abdur Rahmany chia sẻ với tờ The Indian Express: “Khi Anh trao trả độc lập năm 1947, tôi mới mấy ngày tuổi. Không ngờ đến lúc gần chết mới biết thật sự tự do là thế nào”.
Theo The Indian Express, khoảng 37.300 người Ấn Độ “lọt lòng” ở Bangladesh và khoảng 14.000 người sống trong các khu của Bangladesh nằm trong lãnh thổ Ấn Độ. Họ được lựa chọn ở lại và đổi quốc tịch hoặc di dời về tổ quốc. Dù chọn như thế nào thì họ đều sẽ được hưởng đầy đủ các quyền công dân của nước mình, tiếp cận dịch vụ dân sự, giáo dục, chăm sóc y tế… Phần lớn đều chọn ở lại nơi sinh ra và lớn lên, nhưng cũng có nhiều thanh niên muốn ra đi tìm kiếm một cuộc đời mới.
Dự kiến, toàn bộ quá trình trao đổi lãnh thổ và công dân giữa hai nước sẽ kéo dài đến ngày 30.6.2016.
Bình luận (0)