Cuộc trở về của "Làng tôi"

04/08/2012 03:15 GMT+7

Vẫn những con người ấy, kịch bản ấy, nhưng kịch xiếc Làng tôi sẽ mang phong vị mới lạ của sự trở về. Sau ba năm xa xứ, Làng tôi giờ trở lại với sự kết hợp du lịch - văn hóa.

Chỉ hai tiếng “xiếc mới” không nói hết sự thay đổi trong tư duy xiếc của các nghệ sĩ tham gia vở kịch xiếc Làng tôi. Thay đổi đầu tiên dường như không thể chấp nhận của nhóm nghệ sĩ chính là khỏi cần giao lưu với khán giả. “Chúng tôi đã quen với việc mỗi khi làm xong một động tác khó thì quay ra chào khán giả. Nhưng ở vở diễn này, chúng tôi chỉ được sống với không gian sinh hoạt làng của mình thôi”, nghệ sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng đoàn xiếc 1, Liên đoàn Xiếc Việt Nam - chia sẻ.

Chính vì thế, trong suốt quá trình luyện tập, các nghệ sĩ phải nói với nhau rằng mình chỉ việc sống trong không gian làng thôi. Còn khán giả như là người được xem mình sống qua một tấm màn mờ ảo. Qua tấm màn đó, khán giả được thấy một ngôi làng thức dậy ra sao, từng tế bào làng đó sinh hoạt, tham gia tế lễ thế nào. Sự ước lệ của hình ảnh, màu sắc, âm thanh sẽ giúp không gian đó hiện ra mỗi giây, mỗi phút được rõ ràng hơn.

 Cuộc trở về của "Làng tôi"
Nhịp điệu Việt trong buổi diễn xiếc Làng tôi - Ảnh do Đất xanh cung cấp

Bài tập cho Làng tôi không chỉ có thế. Các diễn viên còn phải học cách mở lòng để có một tâm trạng đúng với mình nhất. Trong bài tập đó, mỗi diễn viên phải thực hành vui, buồn, phấn chấn mỗi khi bước vào không gian quy định cảm xúc tương ứng. “Thậm chí một diễn viên trong bài tập thực hành 5 phút về nỗi buồn đã khóc tưởng như không thể dừng lại được”, ông Dũng nhớ lại.

Cũng vì những nỗi buồn dồn nén, niềm vui trào dâng rất thực, trong một không gian giàu tính ước lệ với tông màu nâu - vàng mộc, tuyệt đối không óng ánh bắt sáng mà Làng tôi đã có một biểu cảm thẩm mỹ đặc biệt thu hút với khán giả nước ngoài. Thành quả tới là hợp đồng lưu diễn 3 năm tại Pháp - thị trường nghệ thuật khó tính với lớp khán giả đã được xây dựng qua hàng trăm năm. Làng tôi đi liên miên. Xen giữa những buổi diễn bán vé trước cả năm là những buổi diễn nhỏ để giới thiệu văn hóa theo đúng nhiệm vụ chính trị của Liên đoàn Xiếc. Tất nhiên, trong những buổi diễn miễn phí cho người xem đó, nghệ sĩ được trả thù lao đúng theo tiêu chuẩn nhà nước.

“Tổng chỉ huy” - nghệ sĩ Việt kiều Nhất Lý cho biết vở diễn đi mãi mới về là do ông muốn khi ở Việt Nam nó cũng phải có chất lượng như tất cả những lần nó xuất hiện trên sân khấu nước ngoài. Tuy nhiên điều này lại quá khó. Cái khó đến từ nhà rạp, phương tiện âm thanh, ánh sáng. Cái khó còn đến từ phía khán giả thường vừa xem vừa oang oang nói chuyện điện thoại. Và nó còn đến từ thói quen thích xem nghệ thuật, muốn nghệ sĩ phục vụ miễn phí mà công chúng đã nhiễm từ quá lâu.

Cũng bởi vậy, kết nối đầu ra cho Làng tôi trở về cũng nhọc nhằn không kém việc đưa tác phẩm ra thế giới. Buổi diễn tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 10.8.2012 do Công ty Đất Xanh tổ chức, tiếng là miễn phí nhưng miễn phí “có kỳ vọng” về một sản phẩm du lịch văn hóa. Cho tới giờ, nhiều khả năng Làng tôi sẽ về Tuần Châu để khu du lịch này có thêm một sản phẩm văn hóa - thứ cho tới giờ hết sức thiếu của du lịch Việt Nam.

Tất nhiên, một trong những điều kiện không thể thiếu của nghệ sĩ Nhất Lý là các nghệ sĩ sẽ phải được trả thù lao thỏa đáng. Nguồn tin cho hay, thù lao dự kiến cho các nghệ sĩ cũng khả quan nếu so với tiền lưu diễn tại châu u. Bởi nếu như giá tiền cho mỗi buổi diễn tại châu u cao hơn thì số lượng buổi diễn tại Việt Nam lại được kỳ vọng sẽ nhiều hơn. Nó cũng hé mở khe cửa thị trường hóa sân khấu xiếc.

Trinh Nguyễn

>> Làm “xiếc” giữa đường
>> Làm xiếc
>> Romeo - Juliet làm... xiếc
>> Kịch - xiếc cho thiếu nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.