Cuộc truy lùng báu vật 'phòng Hổ phách'

09/03/2015 09:39 GMT+7

Các nhóm săn lùng kho báu đang ráo riết lùng sục những dấu vết có thể dẫn đến nơi chôn 'phòng Hổ phách', báu vật nghệ thuật nổi tiếng và giá trị nhất từng rơi vào tay Đức Quốc xã.

Các nhóm săn lùng kho báu đang ráo riết lùng sục những dấu vết có thể dẫn đến nơi chôn "phòng Hổ phách", báu vật nghệ thuật nổi tiếng và giá trị nhất từng rơi vào tay Đức Quốc xã.
Phòng Hổ phách được tái dựng, trong khi các nhóm săn lùng kho báu vẫn không bỏ cuộc (ảnh nhỏ) - Ảnh: ReutersPhòng Hổ phách được tái dựng, trong khi các nhóm săn lùng kho báu vẫn không bỏ cuộc (ảnh nhỏ) - Ảnh: Reuters
Sau 70 năm, phòng Hổ phách vẫn đóng vai trò trung tâm trong các cuộc truy lùng kho báu. Được trang hoàng với hơn 6 tấn hổ phách và đá quý, căn phòng nổi tiếng được công nhận là báu vật nghệ thuật có giá trị nhất từng bị thất lạc vào thời đệ nhị thế chiến. Theo sử sách, nó là món quà cầu hòa của vua Prussia (Đức) là Friedrich Wilhelm I cho Sa hoàng Nga là Peter Đại đế vào năm 1716. Sau khi được gia cố thêm nhiều đá quý, nó được chuyển từ Cung điện Mùa Đông tại St.Petersburg đến Cung điện Catherine ở Tsarskoye Selo. Từ đây, tháng 10.1941 phòng Hổ phách đã rơi vào tay Đức Quốc xã, bị đóng gói và chở thẳng đến Koenigsberg (hiện là Kaliningrad). Cho đến hết chiến tranh, một lần nữa nó bị tháo dỡ và từ đó biến mất. Theo một số nguồn tin, kẻ đã giấu kho báu này chính là sĩ quan Đức Quốc xã Erich Koch, người vùng Wuppertal (Đức).
Sự tồn tại của phòng Hổ phách luôn là nỗi ám ảnh lâu nay trong giới săn lùng kho báu, nhưng đến nay vẫn chưa có ai tìm kiếm thành công. Các nhân viên an ninh KGB (Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô) và mật vụ Stasi của Đông Đức cũng đành từ bỏ nỗ lực truy tìm kho báu này. Theo những giả thuyết khác nhau, có thể phòng Hổ phách vẫn còn trên đất Nga, hoặc có thể đã bị nhấn chìm dưới lòng biển Baltic khi Đức Quốc xã đang cuống cuồng tẩu tán tài sản chiếm đoạt được, hoặc cũng có thể nó đã được vận chuyển thành công về Đức. Tuy nhiên, điều đó không dập tắt được tham vọng của các nhóm săn lùng kho báu nghiệp dư, đặc biệt đối với những người tin rằng kho báu này đang nằm đâu đó ở Đức. Theo Đài Deutsche Welle, hiện có 3 nhóm đang tiếp tục đào xới tại nước này, và ai cũng hừng hực quyết tâm rằng mình đi đúng hướng.
Nhóm đầu tiên do ông Karl-Heinz Kleine, 68 tuổi, dẫn đầu. Dựa trên những yếu tố lịch sử, họ đang lần theo dấu vết tại Wuppertal, quê hương của sĩ quan Koch, cũng là kẻ tình nghi lớn nhất đã tẩu tán kho tàng của Nga. Bất chấp nguy cơ rình rập từ hệ thống bẫy sập và những đường hầm có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào, Kleine và nhóm của mình đang tìm kiếm ở phần phía tây của thành phố Wuppertal, nơi dự kiến phải có khoảng 170 boong ke hoặc hang động bị bỏ hoang. Tuy nhiên, so với hai nhóm còn lại do các thị trưởng tại Nobitz và Deutschneudorf điều hành, tiềm lực tài chính của nhóm Kleine có vẻ yếu thế hơn. Heinz-Peter Haustein, Thị trưởng thành phố Deutschneudorf, cho rằng phòng Hổ phách đang được giấu trong các mỏ khai thác xung quanh dãy núi Ore. Còn Thị trưởng Nobitz, ông Hendrik Läbe, đã khoanh vùng tìm kiếm tại một khu rừng gần Leipzig. Đó là nơi các mật vụ Stasi tìm kiếm vào năm 1964. “Họ hầu như đã tìm đúng chỗ. Nhưng chỉ sai lệch vài mét là kết quả đã khác”, tờ Thüringer Allgemeine Zeitung dẫn lời ông thị trưởng.
Theo luật Đức, ai tìm được kho báu sẽ nhận 3% giá trị của bảo tàng, theo ước tính vào khoảng 275 triệu USD. Không nghi ngờ rằng một khi phòng Hổ phách được tìm thấy, nó sẽ được trả lại cho Nga. Trong lúc chờ đợi, Nga đã tạm thời xây dựng một phiên bản của phòng Hổ phách tại Cung điện Catherine với sự hỗ trợ tài chính của Đức, khai trương từ năm 2003.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.