Cuộc vây chiếm Cung điện Mùa đông - Chuyện của người trong cuộc

05/11/2007 22:28 GMT+7

Ngày 5.11, Thanh Niên đã có bài John Reed và Mười ngày rung chuyển thế giới. Sau đây là một đoạn trích trong bài viết Bão tố Bolshevik tại Cung điện Mùa đông, 1917 của John Reed, kể lại sự kiện lịch sử mà ông đã tham gia.

"...Như một dòng sông ngầm, chúng tôi âm thầm tràn xuống phố và tiến về phía nhà thờ Đỏ. Một người đàn ông đang ở phía trước tôi thì thầm: "Cẩn thận, đồng chí! Đừng tin chúng nó. Chúng nó bắn đấy!". Ngoài trời, chúng tôi phải cúi thấp xuống, co cụm lại thành từng nhóm và bắt đầu chạy cho đến khi nhảy qua được bệ tượng của Alexander.

"Có bao nhiêu người trong các anh đã hy sinh?", tôi hỏi người đàn ông bên cạnh. "Tôi không rõ. Khoảng 10 đồng chí". Sau vài phút dừng lại, hàng trăm con người bất thình lình xông lên. Từ ánh sáng các cửa sổ của Cung điện Mùa đông, tôi trông thấy trong số họ có khoảng 1 đến 2 trăm chiến sĩ Hồng quân, chỉ một số rất ít tràn lên không theo đội hình mà thôi. Chúng tôi băng mình qua chiến lũy, hò reo chiến thắng và nhảy xuống chiến hào đang chồng chất những cây súng trường mà các lính canh cung điện vứt bỏ lại.

Hai cánh cửa chính của cung điện đã mở. Sau khi bị cuốn vào dòng người đang reo hò tưng bừng từ phía tòa nhà lớn kế bên tràn sang, chúng tôi vào được cánh cửa phía Đông của cung điện. Một căn phòng mái cuốn với vô số những cửa sổ, cầu thang hiện ra. Khi đó, đập vào mắt tôi là những thùng hàng lớn chất cao, đứng bên cạnh là những chiến sĩ Hồng quân đang gom lại những xấp vải lanh, đồ sứ và thủy tinh quý giá. Một người đàn ông vác ra một chiếc đồng hồ bằng đồng trong khi một người khác tính cắm một chùm lông đà điểu lên mũ. Thấy vậy, một ai đó thét lên: "Đồng chí! Không được đụng vào một thứ gì cả! Đó là tài sản của nhân dân". Ngay lập tức, những đồ vật này đã được trả về vị trí cũ.

John Reed - Ảnh: Wikipedia

...Chúng tôi quay lại cánh cửa phía tây. Hai chiến sĩ Hồng quân đã đứng canh nghiêm chỉnh tại đây. "Yêu cầu ra khỏi cung điện!", một chiến sĩ ra lệnh. "Mọi người ra khỏi đây ngay lập tức, trừ đồng chí Chính ủy". Hai chiến sĩ Hồng quân, trong đó có một sĩ quan, đang đứng canh với những khẩu súng ngắn ổ quay lăm lăm trong tay. Phía sau họ là một sĩ quan khác đang ngồi sau một cái bàn với giấy bút trong tay. Những binh lính khác không có nhiệm vụ đang chen lấn ra ngoài theo mệnh lệnh. Tuy nhiên, trước khi họ ra được bên ngoài, một chiến sĩ Hồng quân đã lật túi từng người để chắc chắn rằng không một ai được phép mang theo bất kỳ thứ gì của cung điện. Trong khi đó, người sĩ quan ngồi sau bàn đang ghi chép hết sức cẩn thận những tài sản đang có trong căn phòng.

...Chúng tôi đi sâu vào trong cung điện. Ở đây vẫn còn hàng núi công việc trong những căn phòng rộng lớn của những tòa dinh thự mênh mông cũng như việc truy tìm những đội lính canh của chế độ cũ còn đang lẩn trốn trong cung điện. Chúng tôi lên lầu trên và đi từ phòng nọ sang phòng kia. Khi bước vào một trong những phòng làm việc của các bộ trưởng chế độ cũ, tôi nhìn thấy một đám đông gồm những người hầu mặc đồng phục xanh đỏ mạ vàng đang run rẩy đứng nhìn. Một ai đó hét lên: "Cấm các anh vào đây!". Tôi nhìn quanh căn phòng. Đây có lẽ là phòng làm việc của một bộ trưởng nào đó trước khi bị chính quyền cách mạng bắt mang đi. Căn phòng được trang trí bằng đá quý màu xanh, có một cái bàn dài với vải thêu kim tuyến phủ bên trên. Trước mỗi chiếc ghế trống trải có một cây bút, một lọ mực và một tờ giấy với những văn bản viết vội vàng về một kế hoạch hành động, những bản tuyên ngôn đang được thảo. Hầu hết những giấy tờ này bị gạch xóa như thể người viết không muốn chúng trở thành chứng cứ buộc tội sau này.

..."Anh là ai?", một người lính vạm vỡ hét lên với tôi. "Anh đang làm gì ở đây?". Tôi chìa tấm giấy phép của Ủy ban Quân sự Cách mạng cho người lính. Anh này lật ngược, lật xuôi để xem xét tờ giấy phép một cách thận trọng nhưng có vẻ không hiểu gì cả. Một đám đông đang vây quanh tôi dần dần thít lại. Bất ngờ, tôi cảm giác có một ánh mắt của ai đó đang lướt trên đầu tôi. Tôi ngước lên và bắt gặp một cái nhìn đầy sự giúp đỡ từ một sĩ quan Hồng quân. Viên sĩ quan lách đám đông đến gần chúng tôi: "Tôi là Chính ủy", ông nói. "Anh là ai? Có chuyện gì vậy?". Tôi đưa giấy tờ của tôi cho người Chính ủy.

"Anh là người nước ngoài?", vị chỉ huy trả lời rất nhanh bằng tiếng Pháp. Sau khi xem qua giấy tờ của tôi, ông quay lại đám đông và nói to: "Các đồng chí! Đây là những đồng chí là người nước ngoài của chúng ta. Họ đến đây để rồi trở về và nói với nhân dân họ về lòng dũng cảm và những nguyên tắc cách mạng của giai cấp vô sản chúng ta".

Hiếu Lê (trích dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.