Cưới hỏi thời nay 2024: Bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái còn được ưa chuộng?

12/11/2024 12:12 GMT+7

Với suy nghĩ 'đời người chỉ có một lần' nhiều người cho rằng đám cưới phải được tổ chức hoành tráng, vui vẻ và không bị giới hạn bởi các quy định. Đây là dịp để họ giao lưu, gắn kết tình cảm với bạn bè, người thân qua những bàn tiệc linh đình, rượu bia tràn trề và lời ca tiếng hát vang suốt buổi.

Không ép khách mời uống rượu bia

Nhiều người cho rằng, đám cưới nếu không uống rượu chúc mừng và hát karaoke có thể làm mất đi sự sôi nổi, khiến lễ cưới trở nên nhạt nhẽo. Thực tế, suy nghĩ của các cô dâu, chú rể hiện nay như thế nào? Thanh Niên đã kết nối với những cặp đôi vừa tổ chức đám cưới để có câu trả lời cho thắc mắc trên.

Cưới hỏi thời nay 2024: Bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái còn được ưa chuộng?- Ảnh 1.

Cô dâu, chú rể cầm ly rượu vang tượng trưng đi chào khách

ẢNH: NVCC

Chú rể Nguyễn Đình Phương (28 tuổi) và cô dâu Nguyễn Trang (29 tuổi), ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai vừa tổ chức đám cưới vào ngày 9.11. Anh Phương cho biết, lễ cưới diễn ra ở nhà gái trước đó một tuần. Buổi tối một ngày trước lễ cưới, gia đình anh tổ chức tiệc trà có thuê dàn karaoke để hàng xóm, người thân, bạn bè đến vui chơi. Từ 20 giờ tối, mọi người có mặt đông đủ, nữ MC giới thiệu cô dâu, chú rể, không quên nhắc khách mời lên góp vui bằng lời ca tiếng hát.

"Chương trình văn nghệ được tuân thủ thời gian cho phép đến khoảng 22 giờ. Sau giờ đó, nhạc sẽ tắt để hàng xóm còn nghỉ ngơi, nếu vì bữa tiệc của mình mà ảnh hưởng đến người khác là điều không nên. Ở xóm còn có người già, trẻ em, không thể mở nhạc quá to, quá lâu khiến họ mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe", anh Phương cho biết.

Cưới hỏi thời nay 2024: Bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái còn được ưa chuộng?- Ảnh 2.

Cô dâu, chú rể rót rượu tượng trưng trên sân khấu

ẢNH: NVCC

Ngày tổ chức lễ cưới chính, gia đình anh mời mọi người đến dự tiệc vào 11 giờ trưa. Lễ cưới chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng, không mở nhạc suốt cả buổi. Bữa tiệc có rượu bia nhưng tuyệt nhiên không thấy ai say xỉn hay ngồi cà kê. Lễ cưới kết thúc vào khoảng 12 giờ 30, một vài người bạn thân ở lại trò chuyện, kết nối với nhau trong không gian ấm cúng, không có tiếng nhạc ầm ĩ.

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ như thế nào về quan điểm không bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái trong ngày cưới?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

"Hiện giờ việc vi phạm nồng độ cồn sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm nên mọi người ý thức trong việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Vì vậy, trong đám cưới của tôi nhiều người không uống bia. Họ uống nước ngọt khi cô dâu, chú rể đến chào bàn", anh Phương chia sẻ.

Đãi tiệc chay, ít rượu bia

Cô dâu Trương Nguyễn Trúc Mai (28 tuổi, ở H.Phú Giáo, Bình Dương) quyết định đãi tiệc chay trong ngày cưới của mình. Bữa tiệc vợ chồng lên kế hoạch trong 3 tháng với các món như súp hạ thảo, nấm Nhật, nấm kết tơ hồng, khai vị ngũ sắc…

Chị Mai cho biết, mỗi bàn tiệc gia đình đều để sẵn bia nhưng rất ít người uống. Những mâm có khách mời nam dự mỗi người uống 1 - 2 lon xã giao còn khách nữ chỉ uống nước ngọt.

Cưới hỏi thời nay 2024: Bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái còn được ưa chuộng?- Ảnh 3.

Đám cưới của chị Mai diễn ra cách đây không lâu

ẢNH: NVCC

"Tôi thấy ở các bữa tiệc đa phần mọi người cũng không uống nhiều vì luật phạt rất nặng với những trường hợp lái xe có nồng độ cồn. Nếu khách mời nam đi chung với vợ hoặc người khác chở thì uống, còn những ai tự lái xe đến chỉ uống nước ngọt", chị Mai cho hay.

Cô dâu chia sẻ bản thân muốn một không gian đám cưới ấm cúng, không quá linh đình. Rượu bia chỉ nên là thứ góp vui trong bữa tiệc, không nhất thiết phải có.

Cưới hỏi thời nay 2024: Bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái còn được ưa chuộng?- Ảnh 4.

Món chay trong tiệc cưới mà gia đình chị Mai chuẩn bị

ẢNH: NVCC

"Hôm đám cưới, gia đình tôi chuẩn bị rất nhiều bia rượu nhưng cuối cùng các món chay hết sạch còn bia rượu dư khá nhiều. Vợ chồng tôi đến chào bàn cũng không cầm ly bia, chỉ đến chụp hình kỷ niệm với mọi người", chị Mai nói.

Gia đình tổ chức lễ Hằng thuận ở chùa trước lễ cưới một ngày nên không tổ chức chương trình âm nhạc vào buổi tối. Mọi người nghỉ ngơi, giữ sức khỏe, sẵn sàng tinh thần cho ngày cưới vào hôm sau.

"Cô dâu, ba mẹ thường phải dậy sớm để trang điểm để kịp giờ nhà trai đến rước dâu, không nên thức khuya. Hơn nữa, nếu chương trình ca nhạc vào buổi tối hôm trước kéo dài đến tối muộn, người trong nhà phải dọn dẹp sẽ không có thời gian nghỉ ngơi", cô dâu bày tỏ.

Cưới hỏi thời nay 2024: Bia rượu tràn trề, hát hò thoải mái còn được ưa chuộng?- Ảnh 5.

Khách mời uống nước ngọt trong đám cưới chị Mai

ẢNH: NVCC

Anh Tạ Đình Anh (25 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) cũng vừa tổ chức đám cưới vào tháng 10 vừa qua. Quan điểm của vợ chồng anh là có một không gian tiệc cưới lành mạnh, không quá quan trọng đến việc phải ăn uống say sưa, tiệc tùng linh đình. Tuy nhiên, trong đám cưới anh vẫn có rượu bia vì đây là truyền thống của gia đình cũng như hàng xóm vào những dịp đặc biệt.

"Tôi không ép khách mời phải uống rượu bia chung vui với vợ chồng trong ngày trọng đại, sự có mặt của họ đã là niềm vui của gia đình. Còn về ca nhạc, chúng tôi chỉ mở đến 22 giờ vì đó là quy định của thôn, xóm và tôi đồng ý với khung thời gian đó, vừa vui vừa không ảnh hưởng đến người khác", anh Đình Anh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.