Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?

13/11/2024 12:26 GMT+7

Thách cưới là một trong những phong tục trong lễ cưới của người Việt, được duy trì qua nhiều thế hệ. Ngày nay, việc thách cưới được các gia đình thực hiện như thế nào, bỏ phong bì bao nhiêu là đủ?

Thách cưới có nguồn gốc từ xa xưa, thể hiện tấm lòng cảm ơn của nhà trai với nhà gái đã chăm lo, yêu thương con gái. Số lượng và giá trị lễ vật thách cưới có sự khác nhau giữa các vùng và tùy vào tình hình kinh tế của mỗi gia đình.

"Tránh hiểu nhầm thách cưới là bán con"

Anh Nguyễn Duy Tùng (30 tuổi, ở H.Mê Linh, Hà Nội) vừa tổ chức đám cưới cách đây không lâu. Anh cho biết, trong lễ hỏi nhà trai mang một chút tiền, được hiểu là lễ đen, để trao cho gia đình nhà gái. Số tiền này không quy định cụ thể là bao nhiêu, tùy vào từng gia đình, khu vực sinh sống. Chỗ anh thường đặt khoảng 30 triệu đồng, bỏ vào phong bì riêng khi mang qua nhà gái.

"Trước ngày tổ chức lễ ăn hỏi, gia đình tôi có đến nhà cô dâu và hỏi đến chuyện sẽ đặt tiền lễ đen là bao nhiêu. Bố mẹ cô dâu sẽ dựa vào số tiền mà hàng xóm ở khu vực đó thường đặt để nói với nhà trai. Họ cũng không đưa ra số tiền quá cao dẫn đến việc hiểu nhầm như bán con hay gả con là một giao dịch trong cuộc sống", anh Tùng nói.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 1.

Anh Tùng vừa tổ chức đám cưới vào đầu tháng 11

ẢNH: NVCC

Cũng theo anh Tùng, việc thách cưới là truyền thống có từ thời xa xưa và vẫn được nhiều gia đình duy trì ngày nay. Số tiền này có ý nghĩa bày tỏ sự cảm ơn với công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ cô dâu.

"Có thể hiểu đó là món quà nhà trai thể hiện tấm lòng muốn đón con dâu về nhà chồng. Ngoài tiền lễ đen, các lễ vật mang sang nhà gái thường có bánh, rượu, cau trầu… với tấm lòng thành kính. Tôi hy vọng truyền thống này được giữ gìn nhưng không có sự biến tướng khi gia đình cô dâu yêu cầu số tiền hoặc lễ nghi quá lớn gây áp lực tài chính cho nhà trai. Bởi lẽ, cưới hỏi là ngày trọng đại của mỗi người, không nên để vấn đề tiền bạc ảnh hưởng đến niềm vui của cô dâu, chú rể và hai bên gia đình", anh Tùng bày tỏ.

Thăm dò ý kiến

Chỗ bạn, tiền thách cưới nhà trai mang sang nhà gái là bao nhiêu?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 2.

Anh Tùng ủng hộ việc giữ tục lệ thách cưới

ẢNH: NVCC

Bà Lê Thị Mai (57 tuổi, ở Thừa Thiên - Huế) cho biết vợ chồng bà đã tổ chức đám cưới cho con gái và con trai theo phong tục truyền thống ở quê. Theo bà Mai, quê bà không có chuyện thách cưới - tức là nhà gái không ra điều kiện cho nhà trai về sính lễ để gả con gái.

Sau khi con cái tìm hiểu nhau và thông báo với gia đình muốn tiến tới hôn nhân thì 2 bên sẽ có buổi gặp mặt chính thức để bàn ngày tổ chức lễ ăn hỏi và đám cưới.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 3.

Cau, trầu, rượu... là những lễ vật trong lễ gặp mặt, ăn hỏi và xin dâu mà nhà trai cần chuẩn bị

ẢNH: PHAN DIỆP

Theo phong tục xưa, tại buổi gặp mặt này, nhà trai sẽ mang cau trầu, rượu, trà, nem chả… đến thưa chuyện với nhà gái. Ngày nay, đời sống phát triển, nhà trai có thể chuẩn bị thêm heo quay, bánh trái… tùy điều kiện kinh tế. Tiếp đến là ngày tổ chức lễ ăn hỏi, nhà trai lúc này cũng mang theo những lễ vật như trên cùng với một số bà con họ hàng thân thích đến nhà gái dùng bữa cơm thân mật.

"Mấy chục năm trước, thời của tôi, 2 bên gia đình tổ chức lễ ăn hỏi rất đơn giản, chỉ cần uống chén rượu, ăn miếng nem chả rồi trò chuyện sau đó ra về. Ngày nay, lễ ăn hỏi thường được nhà gái thuê bàn tiệc, bày biện nhiều món ăn… Tuy nhiên, hiện nay đa phần lớp trẻ thường đi làm ăn xa nên nhiều gia đình bỏ qua lễ ăn hỏi, chỉ làm đám cưới", bà Mai nói.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 4.

Nhiều nơi, nhà gái không thách cưới trang sức hay tiền mặt mà tùy vào điều kiện của nhà trai "có gì tặng đó"

ẢNH: VƯƠNG NGỜ

Đã gả cô con gái lớn lấy chồng 3 năm trước, bà Mai khẳng định ở Huế, nhà gái thường không đòi hỏi nhà trai về các sính lễ như tiền hay trang sức. Nhưng để bày tỏ lòng thành, khi đã ấn định ngày cưới, nhà trai sẽ sang nhà gái lần nữa, người địa phương gọi là "lễ chịu lời", tặng số tiền nhỏ, thường khoảng vài triệu đồng để cô dâu may áo dài cưới. Ngoài ra, không có thêm bất cứ chi phí bắt buộc nào về tiền hay trang sức… trao cho nhà gái để xin gả con.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 5.

Nhà trai mang sính lễ sang nhà gái hỏi cưới

ẢNH: DƯƠNG LAN

Nói về việc thời nay trong đám cưới thường thấy cha mẹ, họ hàng tặng vàng cho cô dâu chú rể, bà Mai cho biết đó là sự thay đổi của xã hội, như ông bà ta có câu "phú quý sinh lễ nghĩa".

"Thời của tôi, cha mẹ hai bên đều nghèo lấy đâu ra vàng tặng con cái. Nhưng khi con tôi đám cưới, vì có dành dụm được vài chỉ vàng nên tôi tặng con. Đó là sự thay đổi về điều kiện kinh tế mỗi thời chứ không bắt buộc", bà Mai nói.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 6.

Tiền thách cưới thường được trao tại lễ ăn hỏi

ẢNH: DƯƠNG LAN

Bãi bỏ thách cưới ở miền Tây?

Có nhiều năm làm việc trong mảng tổ chức cưới hỏi, anh Nguyễn Hoàng Duy An (34 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết, hầu như phong tục thách cưới đã không còn xuất hiện ở các tỉnh miền Tây mà anh từng làm việc. Cụ thể hơn là việc thách cưới của nhà gái đối với nhà trai được nhiều người miền Tây quán triệt bãi bỏ.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 7.

Thách cưới là tục lệ có từ thời xa xưa

ẢNH: DƯƠNG LAN

Theo cá nhân anh An thì việc này từ tính cách sống phóng khoáng cũng như bỏ qua những hủ tục rườm rà trong đám cưới của bà con Nam bộ. Đồng thời một tâm lý khác cũng cho rằng với nhà gái không muốn con mình khi về làm dâu sẽ chịu khổ vì kiểu "ra giá" thách cưới của mình với nhà trai.

"Nhiều năm làm nghề tổ chức các lễ cưới cho các cặp đôi thì tôi chưa nghe gia đình nhà gái nào ra yêu cầu thách cưới cả. Mỗi thứ hiện nay đều tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của nhau rồi cùng tổ chức đám cưới cho lứa đôi. Ít khi nhà gái làm khó nhà trai bằng các lễ vật thách cưới như vậy", anh An chia sẻ.

Cụ thể hơn anh An lấy ví dụ từ bản thân rằng khi cưới vợ cách đây vài năm cũng không hề vấp phải việc thách cưới từ nhà gái. Trước khi đi đến đám cưới, gia đình cả 2 gặp nhau, trao đổi và thống nhất một số việc để tổ chức đám cưới. Dù không có yêu cầu gì từ nhà gái nhưng để "môn đăng hộ đối", ngoài những lễ vật phải có thì gia đình anh An cũng đáp lễ bằng những trang sức như: bông tai, dây chuyền, lắc, nhẫn…

Bên cạnh đó cũng góp "tiền chợ", mục đích phụ với nhà gái trả tiền một số bàn tiệc khi nhà trai đến tham dự tiệc cưới. "Tuy nhiên, mọi thứ cũng tùy vào khả năng của mình chứ thực chất nhà gái không ép gì. Đám cưới hiện đại bây giờ càng đơn giản thì người trẻ mới dễ cưới nhau hơn", anh An nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, thách cưới là một trong những phong tục đẹp, mang ý nghĩa tích cực. Thời xưa điều kiện kinh tế khó khăn, khi các con dựng vợ, gả chồng, cha mẹ thường tặng của hồi môn để các con có vốn làm ăn. Trong đó có việc nhà gái thách cưới, nhà trai thực hiện trong ngày đưa sính lễ sang ăn hỏi.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 8.

Tiền, vàng, tài sản được trao cho một cặp đôi

ẢNH: PHẠM HỮU

TS Hồng nói rằng, việc thách cưới cũng có ý nghĩa đề cao người con gái, như một nghi thức "luật bất thành văn" với nhiều gia đình. Việc thách cưới vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng với ý nghĩa nối tiếp truyền thống. Nhiều địa phương giữ tục thách cưới cho có hình thức vì sau đó số tiền cũng được trao lại cho hai con. Vì vậy, tiền thách cưới có ý nghĩa mang lại sự may mắn, phúc lộc cho cô dâu, chú rể.

Cưới hỏi thời nay 2024: Tục thách cưới còn phổ biến, nhà gái có yêu cầu phong bì?- Ảnh 9.

Nhiều người cho rằng thách cưới còn phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà trai

ẢNH: PHẠM HỮU

"Bên cạnh những gia đình giữ tục thách cưới với ý nghĩa tích cực một số nơi còn có sự lạm dụng, khiến ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này dần mất đi. Nhà gái thách cưới quá cao với mục đích thu hồi vốn nuôi con là những ví dụ cho điều đó. Để "gạn đục khơi trong", chúng ta nên giữ lại phong tục nhưng không tạo ra những áp lực, tổn hại đến hạnh phúc của hai con trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời", vị TS bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.