Cười - khóc như Hồ Xuân Hương

24/05/2010 02:41 GMT+7

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được biết đến qua những vần thơ sắc sảo, mượn tục nói thanh. Và trong hình dung của nhiều người, Hồ Xuân Hương hẳn phải ghê gớm, đáo để. Thế nhưng, có một Xuân Hương vừa hiện ra, thăm thẳm những nỗi buồn...

Vở cải lương Bà chúa thơ Nôm (tác giả: Linh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) - công diễn ngày 22.5 tại Nhà hát TP.HCM - được chú ý có lẽ bởi chính cái tên Hồ Xuân Hương quá hấp dẫn mà trước nay chưa kịch bản nào khai thác, và có lẽ bởi cả sự trân trọng, nghiêm túc khi dàn dựng, dẫu cải lương đang hồi khó khăn. Tác giả Linh Huyền đã tự bỏ vốn đầu tư để "đứa con" của mình được sinh ra một cách tử tế.

Hình ảnh Hồ Xuân Hương qua mỗi chặng đời đã được NSƯT Thanh Thanh Hiền thể hiện rất tốt. Ban đầu là một thiếu nữ hồn nhiên, nuôi khát vọng giải phóng thân phận đàn bà khỏi ách nặng nề của chế độ phong kiến. Nàng học từ mẹ những bài hát xẩm ngọt ngào, nàng lẻn đi chơi, rồi bắt đầu đấu lý với cha, bắt đầu làm những bài thơ tai nghịch. Nàng còn tự lập, vượt lên những khuôn khổ thường tình của thời đại mình đang sống. Nhưng, tất cả sự không bình thường đó cũng báo trước cho một cuộc đời gian truân về sau.

Hai lần làm lẽ, cho Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường, Hồ Xuân Hương đều góa bụa rất sớm. Không còn cha mẹ để nương nhờ, nàng dựng quán để mưu sinh, cũng là để tìm tri âm tri kỷ.

Cho đến khi gặp Chiêu Hổ, tiếng sét ái tình đã vực nàng dậy, ấp ủ một hy vọng yêu thương. Nhưng lời yêu thốt ra lại bị chối từ. Chiêu Hổ vốn phong lưu, lại bị cuốn vào con đường hoạn lộ thì làm sao dám đeo đẳng chữ tình. Chỉ có thể là tri âm với nàng trong thơ - họa nhưng vượt lên thị phi để rước nàng về thì Chiêu Hổ không dám. Xuân Hương vừa lạc lõng giữa làng văn, vừa đơn độc trong tình trường, còn bị kẻ xấu đốt quán, hãm hại. Nàng đành mai danh ẩn tích, và chết lặng lẽ trong một ngôi chùa, khép lại một cuộc đời luôn khao khát yêu thương.

Thanh Thanh Hiền đã gây ngạc nhiên khi chị chuyển giọng Nam như không, từ nói đến ca đều ngọt lịm giọng Nam Bộ. Nhưng đó cũng là điều đáng tiếc. Bởi nếu giữ giọng Bắc có lẽ chị sẽ khắc họa đúng cái chất của nữ sĩ Hà thành hơn. Lợi thế của Thanh Thanh Hiền là chị có thể chuyển hơi ca trù và hát xẩm thật ngọt, mỗi tích tắc âu sầu của nhân vật đều được chị thể hiện tinh tế: nỗi buồn riêng, niềm đau nhân thế, khi lặn vào trong, khi tràn lên mắt, giấu sau nụ cười… Diễn sao để không vật vã, phô trương, mà khán giả vẫn thấy, vẫn cảm, vẫn thương... Cải lương thường dễ bị "lố" bởi các trình thức biểu diễn, nhưng Thanh Thanh Hiền đã biết tiết chế, khiến nhân vật thật gần gũi, thấm thía.

Những Chiêu Hổ (Tuấn Thanh), Đoàn Thị Điểm (NSƯT Phượng Loan), bà mẹ (NSƯT Diệu Đức), người cha (Trương Hoàng Long), ông phủ Vĩnh Tường (Tô Châu)… đều ca diễn chững chạc, xứng đáng với kỳ vọng của khán giả. Thiết kế sân khấu của họa sĩ KimB thật đẹp, lãng mạn. Từ cái tứ chiếc quạt, KimB đã biến tấu trong từng cảnh, để lúc nào cũng thấy lung linh nửa vầng nguyệt.

Khá lâu mới được xem một vở cải lương trọn vẹn (không phải trích đoạn), lại là "hàng mới", tại một khán phòng sang trọng, nhiều người thấy vui vì biết đâu đó vẫn còn những con người tâm huyết với nghề…

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.