Xung quanh Khu chế Xuất Linh Xuân (P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức) có nhiều nhà trọ công nhân. Sâu trong các con đường và hẻm nhỏ bao quanh khu chế xuất, các dãy trọ san sát nối tiếp nhau nằm xen kẽ giữa khu dân cư.
Ở đây từ lâu là nơi "an cư lạc nghiệp" của nhiều công nhân, người lao động tự do. Gần Tết Nguyên đán, nơi đây xuất hiện nhan nhản bảng cho thuê phòng trọ. Vì sao có điều này?
Vắng dần bóng công nhân
Rảo quanh một vòng các con đường ở khu vực này vào giữa trưa vắng người, rất khó biết được trong những con hẻm nhỏ xíu là dãy phòng trọ, nếu bên ngoài chủ nhà không treo bảng "còn phòng cho thuê".
Chị Nguyên Ngọc, một chủ nhà trọ trên đường số 4 cho biết chỗ của chị có tất cả 7 phòng cho thuê. Mỗi phòng rộng khoảng 15 m, không có gác, giá cho thuê 1 triệu đồng/tháng, điện nước tính riêng. Nhiều năm qua, chị Ngọc ở nhà nội trợ, thu nhập phụ thuộc vào tiền cho thuê phòng. Tuy không có nhiều phòng nhưng nếu kín chỗ, chị Ngọc có đủ tiền trang trải hàng tháng cùng chồng nuôi 2 con. Sống gần khu vực đông công nhân, người lao động tứ xứ đến làm việc nên chị Ngọc chẳng mấy khi sợ ế.
Tuy nhiên, khoảng hơn một năm nay, chị Ngọc cảm nhận được sự khó khăn của những người thuê.
"Nhiều công ty trong khu chế xuất đóng cửa chuyển đi nơi khác. Công nhân trong đó một số chuyển theo đến chỗ làm mới, số ở lại tìm việc khác. Công việc không ổn định nên họ cũng thường xuyên trả phòng", chị Ngọc cho biết. Mỗi lần có người trả phòng, chị lại dán bảng cho thuê, đăng thông tin lên mạng xã hội rồi chờ đợi khách.
Cùng một câu trả lời như chị Ngọc, bà Điểm (70 tuổi) có dãy trọ gần 20 phòng trên đường số 4B cũng cho biết công nhân ở khu vực này đã rời đi khá nhiều. "Có lẽ là bắt đầu từ sau dịch Covid - 19, công nhân mất việc nhiều nên chuyển đi dần dần. Khu này xưa nay chỉ tập trung đông công nhân và người lao động tự do, ít sinh viên nên phòng thuê ngày càng ế ẩm", bà Điểm nói.
Khi được hỏi về người thuê trước mới trả phòng về công việc của họ, các chủ trọ đều cho biết chủ yếu là công nhân. Có người chuyển chỗ làm, người thất nghiệp, bị bệnh nên về quê sớm trước tết...
Giá rẻ nhưng khó kiếm khách thuê
Giá phòng ở chỗ bà Điễm cũng chỉ 1 triệu đồng/tháng chưa tính điện nước. Nếu phòng ở 2 người, chi phí cho việc thuê chỗ ở khoảng 600.000 đồng/tháng có thể được xem là "quá rẻ". Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là nhà vệ sinh chung nằm ở khu vực giữa dãy trọ. Phòng trọ nhìn chung xuống cấp, lối đi có mái che bằng tôn nhưng đã mục nát, trời mưa là dột ngay.
Còn trống vài phòng nhưng mấy tháng nay, giá không cao so với mặt bằng chung nhưng ít có người đến hỏi thuê. Bà Điểm thừa nhận những nhược điểm phòng của chỗ mình nhưng không có ý định nâng cấp vì không có kinh phí. Để kiếm thêm thu nhập, bà mở tiệm tạp hóa ngay đầu dãy trọ, phục vụ những người sống lân cận.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, hầu hết các nhà trọ công nhân ở khu vực này có giá chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng. Với phòng trọ khoảng 15 m2, nếu không có gác lửng thì giá chỉ khoảng 800.000 – 1 triệu đồng. Giá cao hơn vài trăm nghìn đồng nếu có gác. Thường mỗi phòng sẽ ở được tối đa 3 người.
Cũng vì người ở đông, trong khi các phòng trọ và lối đi chung được tiết kiệm diện tích tối đa để xây thêm phòng nên thường thiếu chỗ để xe. Chính vì thế, có một tình huống tréo ngoe đó là người thuê phòng ở một chỗ nhưng gửi xe ở một chỗ khác, thường cách nhà khoảng vài trăm mét.
"Ở chỗ của tôi đảm bảo an ninh, không ồn ào, chỉ có điều là nếu 1 phòng ở 2 người có 2 chiếc xe máy thì phải đi gửi 1 chiếc ở chỗ khác, giá khoảng 300.000 đồng/tháng", chị Bích Vân, chủ một dãy trọ ở khu vực này cho biết.
Trong gần 10 dãy trọ mà PV Thanh Niên đã tìm gặp chủ nhà để hỏi thông tin về phòng trống thì chỗ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Oanh (66 tuổi) là có giá rẻ nhất. Bà Oanh cho biết dãy nhà đang còn vài phòng trống, giá trung bình là 900.000 đồng/tháng nhưng dù người thuê chưa trả giá, bà đã chủ động nói: "Nếu chuyển vào ở liền thì tính giá 800.000 đồng/tháng". Căn phòng trước đây được một nam công nhân thuê nhưng vì về quê sớm trước tết nên trả phòng cách đây khoảng 1 tuần.
Từ đầu hẻm trên đường số 4B, lối dẫn vào đến phòng trọ sâu hun hút, rộng chỉ vừa một người đi, nếu có người đi ngược hướng thì phải dừng lại tránh nhau mới lọt qua được. So với các dãy trọ khác, chỗ của bà Oanh sạch sẽ hơn, không có rác trên lối đi nhưng khu vực trước và trong phòng trọ rất tối, ngày cũng như đêm, phải bật đèn mới nhìn rõ.
Chị Mai Thị Liên (43 tuổi) đang thuê phòng tại dãy của bà Oanh cho biết ban ngày khu vực này khá vắng vẻ do công nhân đi làm hết, thường chỉ đông đúc vào buổi chiều tan ca, đến tối thì ai lại ở nhà nấy.
Đang thuê một phòng trọ rộng hơn 15 m2, chị cho biết bản thân không có nhu cầu quá nhiều về chỗ ở vì ban ngày phần lớn thời gian ra chợ buôn bán. Dẫu biết căn trọ của mình khá ẩm thấp và dường như không thấy mặt trời vào ban ngày nhưng vì giá thuê rẻ chưa đến 1 triệu đồng nên đành chấp nhận.
"Buôn bán chạy chợ mỗi tháng nhiều lắm cũng chỉ kiếm được hơn chục triệu đồng nên không thể đòi hỏi. Nếu tôi kiếm được nhiều tiền hơn, chắc chắn tôi cũng sẽ chọn chỗ tốt hơn một chút. Còn nếu chủ trọ ở đây lên giá, tôi sẽ tính đến chuyện chuyển chỗ rẻ hơn ngay", chị Liên nói.
Bình luận (0)