“Trường đua” ngựa, như cách nói của nhiều người, nằm sau con đường ngoằn nghèo, gập ghềnh và bụi bặm nối đường u Cơ với bãi sông Hồng, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Vì có một số bãi đá mấp mô nên dân gian vẫn gọi nơi này là bãi đá sông Hồng.
Khi chúng tôi đến, trời vẫn nắng như đổ lửa nhưng đã có hơn chục bạn chờ sẵn. Khách tới cưỡi ngựa ngày một đông, trong đó có không ít những đoàn khách du lịch.
Chỉ có 4 con ngựa, nhưng có tới một hàng dài bạn trẻ đang chờ tới lượt mình để được trải nghiệm cảm giác ngồi lên lưng ngựa dù chỉ mươi mười lăm phút. Ông chủ ngựa cho biết, vào những ngày cuối tuần, có người còn phải về vì không thể đợi đến lượt.
Vừa “tiếp đất an toàn”, bạn Hồ Duyên Trang, khách du lịch đến từ Q.3, TP.HCM phấn khích nói: “Lúc bắt đầu lên lưng ngựa mình rất sợ nhưng sau đó là cảm giác chông chênh, rất chi là “phiêu”.
Đỗ Thùy Linh, nhân viên công ty truyền thông CNC, một trong những người bắt đầu “nghiện” môn này cho biết: “Trò này rất độc đáo, ban đầu hơi chòng chành nhưng lúc sau lại cảm thấy sảng khoái, rất tốt cho việc giải tỏa sau giờ làm việc căng thẳng”.
Cũng có nhiều bạn nữ nằng nặc đòi lên ngựa, song lên được rồi lại kêu oai oái, đòi xuống ngay vì sợ khiến người đứng xem không khỏi ôm bụng cười. Nhưng lại có nhiều vị khách tỏ ra khoái chí bởi “được” ngã ngựa.
Anh Vũ Văn Hùng (quê Lại Châu, Chu Phan, Mê Linh), người trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ cho biết: “Mình hướng dẫn cách cầm cương một đằng nhưng khi lên ngựa rồi thì họ lại đòi làm một nẻo. Có người còn bảo, kệ cháu, ngã tí mới thích”.
Quả thực, một khi các chàng, các nàng đã ngã thì lại ngã rất “hoành tráng”. Hôm chúng tôi đến chứng kiến cảnh “tiếp đất” rất đẹp mắt của một bạn sinh viên tên My, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ngựa đang đi chậm rãi, bất chợt My khoái chí, giật cương liên hồi, thế là ngựa phi một mạch ra sông, mất thăng bằng nên cô bé té nhào xuống nước. Lồm cồm bò dậy trong nụ cười "méo xẹo", cô nàng lại leo lên ngựa đi tiếp.
Thậm chí, có nữ nhi lên yên cưỡi ngựa còn “ác” hơn cả cánh mày râu. Anh Bình kể lại ấn tượng về một cô bé sinh năm 1991, khách quen của “trường đua”, gần như chiều nào cô này cũng tới đây, mặc váy ngắn, đi bốt cao tới đầu gối và lần nào cũng dắt sẵn trong bốt một chiếc roi. Con ngựa nào không nghe lời là cô rút ngay roi ra “xử lý”, trông chẳng khác gì các nữ tướng rút gươm...
Một nam thanh niên tên Phạm Việt Dũng, ở khu tập thể Kim Liên, một trong những người từng bị ngựa “quần” cho tơi tả, không giấu diếm: “Tôi ngã dúi dụi mấy lần rồi nhưng nói chung cũng không vấn đề gì. Cuối tuần nghỉ ngơi mà tới đây thực sự cảm thấy rất thoải mái, thư giãn. Tiếc là hơi ít ngựa nên giờ cao điểm là cứ phải xếp hàng chờ dài”.
Sau một hồi nấn ná hỏi han, tôi quyết định "hi sinh" 20.000 đồng để được trải nghiệm những cảm giác khác lạ đã khiến nhiều người mê mệt. Từ chối sự giúp đỡ của ông chủ muốn... bế khách hàng lên yên, tôi tự trèo lên lưng chú “chiến mã” để tưởng tượng ra mình cũng là một nữ tướng như cô bé sinh năm 1991 nọ.
Chú ngựa hóa ra không đáng sợ như tôi tưởng, dù có vẻ không sẵn sàng với hiệu lệnh của “chủ tướng”. Thúc mạnh gót chân vào hông, chú ta từ từ cất bước trong sự thèm thuồng của khá nhiều bạn trẻ. Mọi người đang sốt ruột chờ đến lượt, và tôi cố gắng tưởng tượng ra sự thú vị, sảng khoái mà họ nói lúc trước là gì...
Con đường tới bãi đá sông Hồng tuy ngoằn nghèo và gập ghềnh nhưng không thể ngăn các bạn trẻ đổ tới "trường đua". Đặc biệt vào cuối tuần, bãi xe luôn chật kín
Rất nhiều các bạn nữ thường xuyên tới đây để tập cưỡi ngựa
Cảm giác ngồi lên lưng ngựa đã thích rồi nhưng chụp ảnh trên lưng ngựa vẫn là sở thích số 1 của các bạn nữ
“Cái gì thế này?” - một bạn nam kêu lên oai oái như thế ngay khi vừa leo lên lưng ngựa, con ngựa nhảy chồm lên làm mặt bạn nam tái nhợt
Tăng tốc và… ngã
Đây cũng là một địa điểm lý tưởng cho các đôi tình nhân
Và cả cô dâu, chú rể
Anh Vũ Văn Hùng (quê Lại Châu, Chu Phan, Mê Linh) chăm sóc cho các chú ngựa
Thanh Thanh Lan
Bình luận (0)