TNO

Cuối tuần về Mỹ Tho ăn hủ tiếu chay

17/05/2014 10:10 GMT+7

Cách Sài Gòn chỉ chưa đến 70 km, chưa kể giờ đã có đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương thuận tiện, nên có người chạy xe về Mỹ Tho chỉ để ăn một tô hủ tiếu, uống trái dừa dứa hay dừa sáp … rồi về.

Cách Sài Gòn chỉ chưa đến 70 km, chưa kể giờ đã có đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương thuận tiện, nên có người chạy xe về Mỹ Tho chỉ để ăn một tô hủ tiếu, uống trái dừa dứa hay dừa sáp … rồi về.

>> Về Phong Điền xem làm bánh hỏi
>> Kể chuyện làng tàu hủ ky trăm tuổi 

 Về Mỹ Tho ăn hủ tiếu chay 1
Chỉ một đoạn ngắn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần bến phà Rạch Miễu xưa) cũng đếm được
hơn mười quán, còn cả thành phố Mỹ Tho có khi tròm trèm một trăm

1. Không chỉ hủ tiếu Mỹ Tho ngon nức tiếng, mà ngay cả món hủ tiếu chay cũng thuộc hàng nhất xứ. So với các địa phương khác thuộc Nam kỳ lục tỉnh thì Mỹ Tho có lẽ là thành phố có nhiều quán hủ tiếu chay nhất. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần bến phà Rạch Miễu xưa) cũng đếm được hơn mười quán, còn cả thành phố có khi tròm trèm một trăm.

Hủ tiếu mặn và chay đều nấu công phu như nhau. Linh hồn của hủ tiếu Mỹ Tho là sợi bánh và nước lèo. Sợi hủ tiếu được chắt lọc từ hạt gạo ngọt ngào thắm đẫm phù sa làng Gò Cát, xã Mỹ Phong. Không biết thổ nhưỡng ở đây đặc biệt đến mức nào mà lúa được trồng từ vùng đất này cho ra hạt dài, trắng, trong và nguyên vẹn. Bởi vậy, nhiều sản vật từ hạt lúa được ra đời làm nên sự thịnh vượng cho làng nghề bún - bánh hủ tiếu Mỹ Phong. Và giờ đây sản phẩm từ hạt gạo Gò Cát không chỉ phục vụ cho địa phương mà vươn xa ra các tỉnh khác. Một tô hủ tiếu thơm ngon tất nhiên gồm nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu sợi hủ tiếu nơi đây.
 
2. Sợi bánh hủ tiếu có thể lấy cùng một nơi nhưng bí quyết nấu nước lèo thì không ai giống ai, vì là ngón nghề gia truyền nên không thể chia sẻ. Chỉ cần mở nắp nồi là hương thơm bốc lên ngào ngạt, khách đi qua không thể không ghé vào.
 
Cái tên "hủ tiếu Mỹ Tho" xuất hiện vào đầu những năm 50s của thế kỷ trước, bắt nguồn từ các xe, các quán hủ tiếu với các tên rất Hoa (thường có chữ "Ký" ở cuối), do người Việt gốc Hoa làm chủ. Tuy nhiên, chủ các lò sản xuất bánh hủ tiếu lại là người Việt chính gốc, họ truyền lại cho các thế hệ và duy trì tới bây giờ.

Nước lèo được ninh kỹ bằng xương ống và giò heo, các nguyên liệu này được chọn lọc và ninh khéo nên cho ra nồi nước dùng trong veo mà ngọt đậm đà. Để thêm hương vị, đầu bếp thường cho tôm khô, mực khô, hành phi … cùng với tuyệt kỹ của từng người.

 Về Mỹ Tho ăn hủ tiếu chay 1
Nước lèo chay được nấu từ "Légumes" (từ mượn của Pháp, chỉ rau củ) cho ra vị ngọt tự nhiên như
củ cải trắng, củ sắn, cà rốt, nấm rơm hoặc sang hơn là nấm đông cô (có vị thơm đặc biệt) nên
không cần thêm nhiều gia vị hay bột ngọt

3. Quay trở lại với hủ tiếu chay. Tuy nguyên liệu nấu nước lèo có khác nhau nhưng vị ngon thì vẫn không thuyên giảm. Nước lèo chay được nấu từ "Légumes" (từ mượn của Pháp, chỉ rau củ) cho ra vị ngọt tự nhiên như củ cải trắng, củ sắn, cà rốt, nấm rơm hoặc sang hơn là nấm đông cô (có vị thơm đặc biệt) nên không cần thêm nhiều gia vị hay bột ngọt. Xong mới thêm “thành phần chủ lực” là các nguyên liệu họ đậu như đậu hũ, tàu hũ ky, đậu xanh…
 
Nếu như nước lèo hủ tiếu mặn được ninh kỹ bằng các loại đạm động vậy, thì hủ tiếu chay được ninh từ thực vật. Tuy nhiên, cách chế biến và nêm nếm thì không khác nhau nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
 
Thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho giờ đây không chỉ đơn thuần là chiêm nghiệm về ẩm thực, mà còn là niềm tự hào về vùng đất Nam Bộ trù phú. Chỉ cách Sài Gòn 70km, nay lại có thêm đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương vô cùng thuận tiện, hãy khám phá Mỹ Tho cùng món hủ tiếu trứ danh này nhé!

Hủ tiếu Mỹ Tho vừa được vinh danh vào cuối tháng 3.2014, do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao cúp và chứng nhận “Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2013” cho UBND tỉnh Tiền Giang.

 

Ngô Hồng Lĩnh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.