Phạt “mồi”
Xóm trọ của Phạm Thị Hiền (phố Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) không có con trai, tinh thần “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” không vì thế mà kém phần “máu lửa”. Ngại lê la quán xá, cả xóm chung tiền mua đồ ăn về nhà, thức đêm xem đá bóng và ra quy ước, ai ngủ trước trận đấu thì tự chi tiền mua “mồi” cho tối hôm sau. “Mồi” xem bóng đá của SV cực kỳ đơn giản, khi thì dăm ba quả xoài xanh, củ đậu, lúc vài gói đậu phộng nhai tóp tép cho vui miệng lại đỡ buồn ngủ. Ngồi bên cạnh Hiền, cô bạn cùng xóm Nguyễn Thanh Hương đon đả: “Con gái xem bóng đá cũng tranh luận nảy lửa vì mỗi người đều có thần tượng riêng và cổ vũ cho các đội khác nhau. Chung niềm đam mê trái bóng tròn, mọi người dễ gần gũi, hiểu nhau hơn”.
Một tuần, trước khi bóng lăn, Nguyễn Văn Công (SV khoa Công nghệ thông tin - Viện ĐH Mở Hà Nội) kiên trì thuyết phục bố mẹ mang tivi từ quê lên nhà trọ. Chẳng biết vận chuyển va đập thế nào, mà tivi giở chứng, tậm tịt không lên hình. Không sửa được, Công lê la khắp các quán nước đầu ngõ, những trận đá ban đêm đành phải bỏ lỡ. Bực mình, Công lên mạng lùng mua được chiếc tivi cũ với giá 350.000 đồng. “Khát bóng quá nên đành vậy thôi, chứ số tiền đó em tính dành vào việc khác rồi”, Công chia sẻ.
Tại KTX Mễ Trì (Hà Nội), ban quản lý cực kỳ tâm lý, dành riêng cho SV màn hình 40 inch tại căn-tin để thưởng thức. Trước mỗi trận đấu, SV đến rất sớm chọn vị trí đẹp. “Bốn năm mới có một lần, cho các cháu xem thoải mái. Có SV xem cùng, chúng hò hét cổ vũ, không khí rôm rả hơn nhiều”, bác Khải phụ trách căn- tin hồ hởi.
Sắm tivi, máy phát điện phục vụ thượng đế
Mùa bóng đá mở ra cơ hội hốt bạc cho các loại hình dịch vụ. Thế nhưng nhiều địa điểm tại Hà Nội, chủ hàng không tăng giá đồ ăn uống, còn chủ động mua sắm tivi cho khách xem bóng đá. Không ít bạn trẻ tự tìm cho mình địa chỉ quen thuộc, giải tỏa cơn ghiền bóng đá.
Ở cuối đường Kim Giang (Q.Thanh Xuân) hàng nào cũng trang bị tivi. Trước màn hình, hàng chục tín đồ - đa số là thanh niên chăm chú, dán mắt vào màn hình theo dõi trận đấu. Quán mở cửa thâu đêm, giá bán đồ ăn, thức uống không tăng lên một xu. Nước mía vẫn 5.000 đồng/ly, trà đá 2.000 đồng/ly, cá chỉ vàng cũng 5.000 đồng/con... Nhìn vào dàn tivi, màn hình không dưới 30 inch, máy phát điện luôn sẵn sàng mới biết chủ hàng khéo chiều thượng đế. Trò chuyện với chủ quán tên Hưng, người đàn ông này chép miệng: “Bán mấy thứ hàng lặt vặt này lãi chẳng được bao nhiêu, lợi dụng chặt chém dịp này thì mất hết khách. Mình cũng “máu” xem, không muốn vợ con mất giấc ngủ, sẵn có quán trà nên vác luôn tivi ra ngoài xem cho đã”.
Mỗi trận bóng diễn ra, các điểm bán nước mía trước sân vận động Mỹ Đình như rạp chiếu bóng thu nhỏ. Chủ quán ở đây đầu tư khá mạnh tay. Theo tiết lộ của anh Nguyễn Thế Hiển ở xã Phú Mỹ (Từ Liêm), để sở hữu dàn máy chiếu, màn hình, đầu thu kỹ thuật số, loa đài, máy phát điện xem bóng đá như thế tốn không dưới 30 triệu đồng. Ngoài ưu thế về chất lượng hình ảnh, không gian thoáng đãng, gió thổi mát lạnh là lợi thế khiến hàng quán giải khát luôn đông khách. Giá bán đồ uống ở đây cũng chỉ 10.000 đồng một ly nước mía. “Giá bán vậy không đắt đâu, vì dàn máy chạy hoàn toàn bằng máy phát điện. Gọi ly nước ngồi xem trận bóng 90 phút, tính ra là quá rẻ rồi”, anh Hiển giải thích.
Phan Hậu – Trần Đan
Bình luận (0)