Cường quốc nhan sắc - Kỳ 2: Lò đào tạo người đẹp

12/11/2013 00:20 GMT+7

Ở cường quốc nhan sắc Venezuela, hoa hậu cũng có thể ra tranh cử tổng thống.

 Công chúng cổ vũ cuộc thi Hoa hậu Venezuela - Ảnh: Miss Venezuela
Công chúng cổ vũ cuộc thi Hoa hậu Venezuela - Ảnh: Miss Venezuela

>> Cường quốc nhan sắc

Hoa hậu làm chính trị

Chào đời ngày 13.12.1961 tại Caracas (Venezuela), Irene Saez (cao 1,78 m) đoạt danh hiệu Hoa hậu Venezuela năm 1981, đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ cùng năm đó tại New York (Mỹ). Lần thứ hai đưa Venezuela vào danh sách các quốc gia chiến thắng tại Hoa hậu Hoàn vũ (người đẹp đầu tiên mang vinh dự về cho Venezuela là Maritza Sayalero năm 1979), Irene Saez sau đó tham gia vào chính trường. Bà từng là thị trưởng Chacao, một trong số thành phố vệ tinh của thủ đô Caracas. Năm 1998, bà ra tranh cử Tổng thống Venezuela nhưng không thành công, rồi chuyển sang Florida (Mỹ) sinh sống.

Jennifer J.Schell trải qua 9 tháng đào tạo căng thẳng từ 6 đến 23 giờ mỗi ngày để tham dự cuộc thi Hoa hậu Venezuela năm 2005. Tuy không đoạt danh hiệu cao nhưng Schell được tiếp tục đào tạo về cao cấp chính trị và hiện đang làm trong Bộ Ngoại giao Venezuela.

Điều khác biệt tạo nên “thương hiệu nhan sắc” Venezuela, theo các nhà nhân chủng học, đây là đất nước đa chủng tộc, kết hợp nhiều dòng máu khác nhau từ Địa Trung Hải, Bắc u đến cả châu Phi và Mỹ La tinh. Giới xã hội học thì cho rằng thành công của Venezuela đến từ văn hóa, dễ hiểu hơn là xã hội luôn coi trọng nhan sắc - điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công trong sự nghiệp, đặc biệt với nữ giới. Các cuộc thi nhan sắc ở xứ sở này luôn sôi động, quyết liệt, nhận được sự cổ vũ mạnh mẽ từ khán giả. Dân chúng thậm chí đổ xuống đường tuần hành, hô vang tên cô gái mà họ yêu thích trong các cuộc thi hoa hậu.

“Đó là điều tự nhiên”

Với tiêu đề Why does Venezuela keep winning Miss Universe? (tạm dịch: Vì sao Venezuela tiếp tục chiến thắng Hoa hậu Hoàn vũ?), báo Observers (Pháp) phân tích: “Jamaica nổi tiếng với những siêu sao điền kinh. Ý lừng danh với bánh pizza, xem ra Venezuela đang khẳng định vị thế của mình trước thế giới bằng nhan sắc. Sắc đẹp đó quyến rũ vô song hay nhờ bàn tay phẫu thuật quá điêu luyện của bác sĩ thẩm mỹ? Chuyện đó sẽ bàn sau nhưng giờ đây chỉ có Mỹ với 8 lần đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ mới có thể sánh được với quốc gia chỉ 26 triệu dân này. Hoa hậu Hoàn vũ 2009 Stefania Fernandez từng trả lời câu hỏi vì sao Venezuela liên tục đoạt vương miện: “Đó là điều tự nhiên của chúng tôi!” - một sự mặc định cho chiến thắng của Venezuela”.

Một thí sinh từng dự thi nhan sắc tại Venezuela tiết lộ chi phí cho phẫu thuật thẩm mỹ cũng như chỉnh sửa răng, hàm ở đây rẻ hơn Mỹ đến 3 lần. Do đó, không ít thí sinh dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế bay sang Venezuela để hoàn thiện vẻ đẹp bên ngoài. Dayana Mendoza sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Nha Trang đã thừa nhận cô phẫu thuật thẩm mỹ mũi và ngực trước khi tham gia cuộc thi. Theo Observers, dù điều đó không phải là không được phép nhưng rõ ràng Mendoza đã bị dư luận chỉ trích không ít.

Học mang giày cao gót từ lúc bé

Nhiều bậc phụ huynh ở Venezuela cho rằng đưa các bé gái vào trường đào tạo hoa hậu từ 6 tuổi, thậm chí 4 tuổi, là hoàn toàn đúng đắn. Trường Giselle ở ngoại ô Caracas là điển hình nổi bật cho mô hình đào tạo hoa hậu tương lai mà đa số cha mẹ có con gái đều mơ ước con mình được vào học. Giáo trình của trường Giselle bao gồm việc học đi đứng trên sàn catwalk, cách cầm ly rượu sao cho quý phái, chọn kiểu tóc thế nào để phù hợp gương mặt, trang điểm tự nhiên và dĩ nhiên không thể thiếu kỹ năng mang giày cao gót thành thạo dù các em đều còn rất bé. Trường Giselle nhận đào tạo mỗi năm 160 học viên từ 4 đến 11 tuổi. Với kỷ luật sắt, trường Giselle luôn đảm bảo học viên nhiều khả năng đoạt danh hiệu Hoa hậu hay Á hậu Venezuela trong cuộc thi được tổ chức hằng năm vào tháng 8 hoặc 9. Giselle cũng là nơi Dayana Mendoza từng theo học từ nhỏ.

Ở Venezuela không có bất cứ chỉ trích nào của dư luận về việc đào tạo hoa hậu “nhí”. Nếu không trở thành hoa hậu, các bé gái cũng được trang bị kỹ năng cần thiết để hoạt động trong lĩnh vực người mẫu, MC truyền hình, diễn viên.

30.000 ca nâng ngực mỗi năm

Những cô gái thuộc tầng lớp thấp và trung lưu tại Venezuela luôn trông mong vào các cuộc thi nhan sắc để đổi đời, đổi cả số phận của gia đình. Hoa hậu Venezuela là chương trình truyền hình được nhiều người xem nhất trong cả nước. Gần 2/3 dân chúng Venezuela dán mắt vào màn ảnh nhỏ đêm chung kết cuộc thi. Kết quả là giới phẫu thuật thẩm mỹ Venezuela hưởng lợi khi nhận đến hơn 30.000 ca nâng ngực mỗi năm.

Đỗ Tuấn

>> Người đẹp Venezuela đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2013
>> Hoa hậu Venezuela bị “nhạo” vì hùng biện… sai từ vựng
>> Hoa hậu Venezuela đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2009
>> Chuyện chưa biết về Hoa hậu Venezuela
>> Hoa hậu Venezuela đoạt danh hiệu Duyên dáng áo dài
>> Hoa hậu Venezuela đoạt giải Hoa hậu bãi biển
>> Cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2005: Cựu Hoa hậu Venezuela chiến thắng
>> Hoa hậu Venezuela đăng quang Hoa Hậu Liên Lục Địa 2005

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.