(TN Xuân Nhâm Thìn) Chưa thấy ông Tây nào đau đáu với Hoàng Sa như thế. Ông là Hồ Cương Quyết, tức André Menras, người mang hai quốc tịch Pháp - Việt.
Kế hoạch táo bạo
Đầu tháng 9.2010, đọc báo thấy tỉnh Quảng Ngãi có lập quỹ hỗ trợ ngư dân, André Menras tức tốc từ Pháp bay sang Việt Nam, đến Quảng Ngãi rồi ra đảo Lý Sơn. Ông “bắt mối” với anh Trần Văn Sô, một ngư dân ở xã An Vĩnh, người vừa bị “tàu lạ” bắt giữ ở Hoàng Sa cách đó không lâu, để bàn cách ra Hoàng Sa. Chi phí cho chuyến hải hành này là khá nặng so với đồng lương hưu của ông, nhưng ông vẫn một mực thực hiện mong muốn của mình: “Mặc kệ cái tài khoản của tôi trong ngân hàng nhiều ít ra sao, chỉ cần cái tài khoản trong trái tim tôi đầy ắp nhiệt tình là tốt rồi”.
Những hòn đảo từng ám ảnh ông suốt một thời trai trẻ, cứ tưởng đã rơi vào quên lãng nay có dịp bừng thức trong ông: Tri Tôn, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Bạch Quy... Điều khá bất ngờ là, André Menras thuộc nằm lòng tên tất cả hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chẳng khác nào một ngư dân Lý Sơn chính hiệu. Ông giở bản đồ Hoàng Sa rồi cùng anh Sô lấy bút đỏ rà theo đường đi của con tàu mà họ dự định lên đường trước mùa mưa bão. Kịch bản của chuyến hải hành này sẽ là: chạy xuyên qua 17 hòn đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nếu thấy đảo nào có thể đặt chân lên được thì ghé vào.
|
André Menras sinh năm 1945 tại thành phố Beziers, miền nam nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Monpellier năm 1969, ông sang Việt Nam dạy học. Trưa 25.7.1970, ông cùng một người bạn làm một việc không tiền khoáng hậu là cắm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở công trường Lam Sơn, trước nghị viện của chính quyền Sài Gòn để phản đối chiến tranh. |
Tuy nhiên, chuyến đi Hoàng Sa bất thành vì ông không thể làm được các thủ tục để ra khơi. André Menras kể lại với tôi giọng bùi ngùi: “Người ta đã tát cạn lòng kiên nhẫn của tôi. Họ làm mọi cách để tôi từ bỏ ý định ra Hoàng Sa”.
Khát vọng
Sau chuyến đi không thành ấy, đúng ngày 16.3.2011, Hồ Cương Quyết trở lại đảo Lý Sơn. Ông mang theo một số tiền nhỏ mà ông kêu gọi được từ những người bạn chài nơi quê hương ông bên bờ Địa Trung Hải thuộc miền nam nước Pháp, để tặng cho vợ con của 6 ngư dân nằm lại với Hoàng Sa trong những ngày giáp tết năm ngoái. Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp của VTV ra Lý Sơn để dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tình cờ gặp được ông Tây nói tiếng Việt quá sõi này, và thế là ông Cương Quyết trở thành “diễn viên bất đắc dĩ” cho bộ phim phóng sự nhiều kỳ của Trần Tuấn Hiệp.
|
Ông André Menras đã nhập vai như một diễn viên chuyên nghiệp bằng việc lý giải từng câu chuyện liên quan đến Hoàng Sa. Như chuyện vì sao cây dâu lại tồn tại trên đảo Lý Sơn mà không phải để nuôi tằm? Vì sao gọi là mộ gió? Tôi khá bất ngờ với kiến văn của ông mỗi khi ông giải thích một vấn đề gì đó liên quan đến Hoàng Sa. Chẳng hạn như nhiều người nói mộ gió - nơi chôn cất hình nhân của các ngư phủ Lý Sơn - là ngôi mộ dễ bị biến dạng do gió cát ven biển vẫn thường “di động” qua mỗi mùa mưa bão. Ông André thì cho rằng gió là cái hiện hữu quanh ta nhưng ta không nhìn thấy. Cũng như người dưới mộ là không có nhưng ai cũng nghĩ rằng có. Cái này thuộc tâm linh thôi. Ông bà rất có lý khi đặt tên những ngôi mộ không có xác là mộ gió.
Tôi cùng ông đi trên những con đường làng thơm mùi ngô non, ghé thăm các di tích lịch sử của đảo Lý Sơn và không thôi nhắc đến Hoàng Sa. Ông khao khát được một lần đặt chân lên bất cứ hòn đảo nào ở Hoàng Sa, dù chỉ để ghi một tấm hình.
Trà Sơn
Bình luận (0)