Tại cuộc họp do UBND Q.1 (TP.HCM) tổ chức hôm qua (25.3), đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng công an Q.1 nêu thực tế gây bức xúc như vậy.
Đại diện chính quyền TP.HCM trong cuộc gặp xin lỗi du khách Ai Cập - Ảnh: Lê Tân |
“Trong số 17 vụ cướp giật xảy ra trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn Q.1 có đến 8 vụ nạn nhân là người nước ngoài. Thực trạng này gây ra nhiều nỗi lo lớn”, ông Đạt nói.
Theo ông, do đặc thù là khu vực trung tâm TP luôn có đông du khách đến tham quan, đi lại trên đường phố nên luôn có nguy cơ du khách bị xâm hại tài sản, trở thành “mảnh đất màu mỡ” của tội phạm cướp giật.
“Cơ quan công an luôn ý thức vấn đề này nên tập trung trấn áp, mạnh tay xử lý tội phạm để bảo vệ du khách an toàn nhất, cũng như cuộc sống an toàn cho người dân”, ông Đạt khẳng định.
Một vấn đề khác cần có sự vào cuộc khẩn cấp của các sở ngành liên quan, theo ông Đạt, đó là vấn nạn taxi “nhái”, taxi “dù” đang “làm loạn”. Có khi khách đi những taxi này, khi xuống xe chưa kịp lấy hành lý thì tài xế đã cho xe chạy mất. Công an bắt về xử lý thì ngụy biện là do khách bỏ quên. Có khi khách đưa tiền và đang chờ thối lại thì lái xe cũng chạy luôn.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận khẳng định chính quyền đang nỗ lực xóa bỏ những hình ảnh mất trật tự, mất mỹ quan đô thị, "cát cứ" lòng lề đường mà Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh trong thời gian gần đây.
Ngay trong năm 2016, ngoài việc xúc tiến lập phố đi bộ, quận cải tạo vỉa hè bằng đá hoa cương, đồng bộ cơ sở hạ tầng trên 5 tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris; đặc biệt Q.1 sẽ hình thành khu vực tự quản về an ninh, trật tự đô thị để bố trí cho các trường hợp buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè đến buôn bán theo giờ quy định.
Tại cuộc họp, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, cũng đề xuất thí điểm lập phố đi bộ ở khu phố Tây gồm có các tuyến Đề Thám - Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (thực hiện ngay trong năm 2016) thí điểm trong một năm trên đường Bùi Viện, giai đoạn 2 nhân rộng ra đường Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu với thời gian cấm các phương tiện lưu thông từ 19 - 0 giờ trên các tuyến đường này.
Theo ông Đạt, chỉ tính riêng đoạn Bùi Viện (từ ngã tư Đề Thám đến ngã ba Đỗ Quang Đẩu) có đến 23 khách sạn, 25 cơ sở kinh doanh quán ăn, 15 cơ sở kinh doanh cà phê, giải khát, 33 cơ sở kinh doanh quà lưu niệm, 14 quán bar, 12 dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, 8 cơ sở dịch vụ lữ hành, 7 cửa hàng tiện lợi... Ngoài ra còn có 2 chung cư, nhà dân với khoảng 1.000 nhân khẩu.
“Về giải quyết chỗ để xe máy, với xe của khách thì dự kiến để ở công viên 23.9, ngã ba Phạm Ngũ Lão và Đề Thám, còn xe của cư dân sở tại thì được cung cấp logo dán trên xe để phân biệt và được ưu tiên vào ra phố đi bộ một cách phù hợp”, ông Đạt cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND Q.1 Nguyễn Thị Thu Hường, việc lập phố đi bộ ở khu phố Tây đảm bảo sự đồng lòng tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong khu vực để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao giá trị hình ảnh khu phố hoạt động du lịch chuyên nghiệp, giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ hình ảnh mất trật tự cũng như sự thiếu an toàn cho du khách.
Bình luận (0)