Cứu bệnh nhân bị hạt sapôchê rơi vào phổi rồi ở đó 4 năm

Duy Tính
Duy Tính
10/10/2018 11:03 GMT+7

Nghe bác sĩ báo kết quả chụp X-quang phổi thấy bất thường, bệnh nhân lo sợ vì nghĩ bị ung thư phổi.

Ngày 10.10, Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức TP.HCM cho biết BV vừa tiến hành nội soi phế quản, gắp thành công hạt sapôchê kẹt trong đường thở của bệnh nhân D.T.M.L (48 tuổi, ngụ P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) suốt 4 năm trời.
Trước đó, bà L. đến Phòng khám đa khoa Linh Xuân (Khoa khám bệnh 3 - trực thuộc BV Q.Thủ Đức) do có triệu chứng ho nhiều, sốt… Sau khi thăm khám, bà L. được chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị vì kết quả chụp X-quang bất thường, ở đáy phổi phải xuất hiện một đám mờ.
Kết quả chụp CT scannet ngực ghi nhận trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải bệnh nhân có một dị vật không rõ bản chất, kèm thương tổn viêm thùy giữa và thùy dưới phổi phải.
Sau đó, các bác sĩ tiếp tục tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm thì phát hiện dị vật có màu đen, dạng êlip, kích thước khoảng 2 cm, trông giống hạt sapôchê.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật ra. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định.
Bà L. nhớ lại cách đây khoảng 4 năm, trong lúc đang ăn quả sapôchê thì bị sặc - ho, hạt sapôchê vướng vào cổ họng, bà đã dùng tay móc nhưng hạt không ra, nên chị lấy cơm và nước để nuốt nhằm đẩy hạt xuống dạ dày.
Khoảng 3 tháng sau bà L. bắt đầu có triệu chứng ho liên tục, có đàm,… mỗi lần ho như vậy bà lại mua uống thuốc, lúc đó triệu chứng có giảm nhưng khi ngưng thuốc lại ho tiếp. Nhiều lần bà đã đi khám và điều trị bệnh ở nhiều nơi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tái phát.
Tình trạng đó cứ như vậy, kéo dài hơn 4 năm nay, cho đến khi bà bị sốt, ho nhiều hơn và đi khám tại Phòng khám đa khoa Linh Xuân.
Bác sĩ Lê Hoàng Hải (Khoa nội tổng quát), người trực tiếp nội soi và thực hiện gắp dị vật cho biết: Nhiều người hóc dị vật sapochê vỏ thuốc, mảnh xương hay tăm tre…. gây tổn thương đường tiêu hóa. Tuy nhiên, dị vật cũng có thể lọt vào đường thở nếu bệnh nhân gặp phải cơn ho, hoặc cười đùa khi ăn uống...
Với trường hợp này, nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi liên tục, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi.
Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo, người dân khi ăn bị sặc, ho, có triệu chứng đau tức ngực, ho dữ dội, cần đi khám ngay, không nên làm các biện pháp cố lấy dị vật ra, nhất là khi dị vật đã đi vào đường hô hấp. Nếu để lâu dị vật có thể dẫn tới viêm phổi tái phát nhiều lần.
Bác sĩ lưu ý khi ăn uống, người dân cần tránh cười đùa, nhất là trẻ em. Phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở.
Xử trí khi bị hóc

- Đối với các loại trái cây có hạt, nhất là sapôchê, để tránh bị hóc, nên xẻ theo chiều ngang để lấy hạt ra trước khi ăn (theo thói quen nhiều người thường xẻ dọc).

- Xử trí cấp thời khi bị hóc dị vật vào đường thở (áp dụng đối với trẻ từ 12 tuổi và người lớn như sau: Đứng sau lưng người bị hóc, hai tay vòng ra phía trước, đan chéo nhau rồi đặt lên vùng thượng vị (chấn thủy) giật mạnh vào để tống dị vật ra. Nếu trẻ nặng ký quá, hay người lớn, thì cho nằm sấp xuống, đầu nghiêng một bên. Để hai bàn tay vuông góc nhau và ấn lên chỗ chấn thủy, rồi đẩy mạnh đột ngột từ 3 - 5 cái để đẩy dị vật ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.