Cứu bệnh nhân bị sốc mất máu, vết thương ở mặt chảy máu thành tia

Lê Cầm
Lê Cầm
26/07/2024 12:29 GMT+7

Bệnh nhân L.T.P (16 tuổi, ngụ tại Long An) được đưa vào bệnh viện cấp cứu với vết thương từ vành tai đến thái dương phải chảy máu thành tia đỏ.

Ngày 26.7, bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thái Sơn (bác sĩ điều trị khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An) cho biết: bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng sốc mất máu, mạch 100 lần/ phút, nhịp thở 22, huyết áp khó đo, có vết thương từ vành tai đến thái dương phải chảy máu thành tia đỏ tươi. Người nhà cho biết, bệnh nhân bị bạn dùng vật nhọn vô tình trượt tay đâm vào mặt khi đang đùa giỡn, gây chảy máu nhiều.

Nhận định tình trạng bệnh nhân bị mất máu rất nặng, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu tạm thời, băng garo cầm máu vết thương, bù dịch, truyền giảm đau, đồng thời báo cáo lãnh đạo và liên hệ các khoa phòng liên quan.

Bác sĩ khoa Liên chuyên khoa thăm khám ghi nhận vùng mặt thái dương phải có vết thương phức tạp dài khoảng 15 cm, xuyên qua tuyến mang tai, máu chảy thành tia, miệng họng nhổ ra máu đỏ tươi, nghi ngờ tổn thương động mạch cảnh mất nhiều máu dẫn đến sốc mất máu và có thể tử vong nhanh chóng. Bác sĩ đã giải thích nguy cơ với người nhà và quyết định chuyển mổ cấp cứu để cầm máu, cứu sống bệnh nhân.

Cứu bệnh nhân bị sốc mất máu, vết thương ở mặt chảy máu thành tia- Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra vết thương cho bệnh nhân sau phẫu thuật

BSCC

Bác sĩ Sơn cho biết, vết thương rách nham nhở, đi qua vùng mặt nơi có nhiều nhánh mạch máu quan trọng của động mạch cảnh ngoài, là động mạch cung cấp máu cho vùng đầu mặt cổ, đáy vết thương lại rất sâu, các mạch máu bị đứt chảy máu phun thành tia nên việc thám sát vô cùng khó khăn. Các nhánh mạch máu bị tổn thương bao gồm nhánh thái dương nông, nhánh động mạch hàm và động mạch mặt.

Sau gần 3 giờ nỗ lực thám sát vết thương, các mạch máu được cột thắt cầm máu, đồng thời khâu phục hồi tuyến mang tai phải, đặt một ống dẫn lưu kín. Bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch và xuất viện sau hơn một tuần điều trị.

Với vết thương vùng mặt xuyên qua tuyến mang tai, ngoài vấn đề phải cầm máu cấp cứu, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm khác là tổn thương dây thần kinh VII, còn gọi là dây thần kinh mặt. Nếu tổn thương dây thần kinh này có thể gây liệt mặt, nên trong quá trình phẫu thuật cần phải thật sự cẩn trọng, tỉ mỉ để tránh làm tổn thương dây thần kinh này.

Tổn thương các mạch máu lớn vùng đầu, mặt, cổ rất nguy hiểm, có thể gây mất máu và tử vong. Vì vậy, bác sĩ Sơn khuyến cáo người dân khi gặp trường hợp chảy máu tương tự nên nhanh chóng dùng gạc, vải hoặc quần áo quấn chặt lấy vết thương và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.