Cựu binh Mỹ và "đối thủ đáng kính"

30/04/2012 03:01 GMT+7

Chiến tranh kết thúc đã 37 năm, thêm nhiều tư liệu lịch sử hé lộ. Trong đó, cuộc gặp gỡ giữa những cựu thù xem ra rất phù hợp với lô gic nhân văn trong dòng chảy cuộc đời.

Với sự kiện “Vịnh Bắc bộ”, ngày 5.8.1964, không quân Mỹ ồ ạt đánh phá dữ dội nhiều mục tiêu chiến lược trên miền Bắc. Ở Quảng Bình, trận đầu trên sông Gianh, hải quân ta đối mặt với không quân Mỹ, bắn cháy một máy bay nhưng thương vong cũng khá lớn. Tròn nửa năm sau, không quân Mỹ tiến hành chiến dịch Mũi lao lửa . Ngày 7.2.1965 (mùng 6 tết Ất Tỵ), 13 giờ 55 phút, giữa lúc cán bộ và nhân dân thị xã Đồng Hới hưởng ứng Tết trồng cây và làm thủy lợi, 50 chiếc máy bay các loại cất cánh từ các hàng không mẫu hạm ngoài biển Đông chia thành nhiều tốp lao vào đánh phá. Bộ đội và nhân dân Đồng Hới đánh trả quyết liệt, ngay loạt đạn đầu bắn cháy một chiếc A-4D, trung úy phi công Edward Dickson nhảy dù và chết chìm dưới biển, 5 ngày sau mới được dân quân xã Quang Phú vớt lên mai táng. Kết thúc trận đánh, ta bắn rơi 4 máy bay.

Lúc 12 giờ 57 phút ngày 11.2.1965, không lực Mỹ tiến hành chiến dịch Mũi lao lửa 2 với sự tham chiến của hàng trăm lượt máy bay. Quân dân Đồng Hới bắn cháy 6 chiếc, bắt sống thiếu tá phi công Robert Shumaker. Từ đó đến hết năm 1968 và gần trọn năm 1972 Quảng Bình trở thành tuyến lửa chống chiến tranh phá hoại, bắn rơi 704 máy bay, bắn cháy và bắn chìm 86 tàu chiến, tàu biệt kích. Trong cuộc chiến mà đối phương gọi là “chiến tranh ngăn chặn”, các tuyến vận tải 15A, 12A... với các trọng điểm Khe Rinh, phà Long Đại, Khe Ve, La Trọng, đèo Mụ Giạ… chịu nhiều bom đạn nhất, có thời điểm đẩy đến độ hủy diệt.

Pháo cao xạ 37 li của lực lượng vũ trang Quảng Bình là nỗi ám ảnh của các phi công Mỹ thời bấy giờ - Ảnh: Tư liệu BTQB
Pháo cao xạ 37 li của lực lượng vũ trang Quảng Bình là nỗi ám ảnh của các phi công Mỹ thời bấy giờ - Ảnh: Tư liệu BTQB
 

Gần nửa thế kỷ sau, vào các năm 2010-2012, có một viên sĩ quan cao cấp trong đội bay Misty đã qua Việt Nam nhiều lần (có khi cùng cả gia đình), vừa du lịch “qua miền ký ức” vừa để (như thể thay mặt đồng đội) tìm lại một người mà ông gọi là “đối thủ đáng kính”, một người lính Bắc Việt, trong năm 1967 trên đường 12A ngày ngày ngồi trên mỏm núi đá vôi nã súng vào đội bay. Thông qua ông Hồ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ các dự án phát triển, viên sĩ quan hy vọng tìm được người lính này để “tỏ lòng ngưỡng mộ".

Trích thư của đại tá Roger Van Dykeld gửi Hồ Văn Sỹ:

“Sỹ thân mến! Đây là thông tin mà tôi có về đối thủ đáng kính: loại pháo phòng không 37 li, thời gian từ tháng 10.1967 đến tháng 1.1968 (đây là thời gian tối thiểu, có thể lâu hơn). Vị trí: phía nam của mỏm đá vôi cao (không có cây) một trong hai vị trí có thể sau đây:

Vị trí 1: 17 độ 32 phút, 34 giây độ bắc; 105 độ 44 phút 14 giây độ đông.

Vị trí 2: 17 độ 32 phút 63 giây độ bắc; 105 độ 44 phút 2 giây độ đông.

Cả hai vị trí này đều nằm ở phía đông đường Hồ Chí Minh đi qua Lào phía nam đèo Mụ Giạ. Lý do tôi muốn tìm người này hoặc gia đình để bày tỏ lòng khâm phục đối với anh ấy như một đối thủ đáng kính. Những thành viên của đội bay chúng tôi đã bay dưới làn đạn lửa của người lính này gần như hằng ngày. Họ khâm phục anh ấy vì mỏm đá vôi rất cao và dốc đứng, có thể anh ta rất vất vả để chuyển được đạn cho khẩu pháo 37 li. Hơn nữa, anh ấy gần như phơi mình nên rất dễ bị không kích. Chính vì thế, đội bay chúng tôi nghĩ anh ấy rất dũng cảm. Họ đặt tên cho anh ấy là “Cậu bé ngồi trên mỏm đá vôi”. Bây giờ họ muốn liên lạc với anh ấy  hoặc gia đình để tỏ sự ngưỡng mộ với anh ấy như là một chiến binh dũng cảm, và cũng là để có thể mở rộng vòng tay hòa bình đối với những người mà trước đây đã từng là kẻ thù của mình.

Cảm ơn vì những gì Sỹ có thể sẽ giúp để định vị được người lính này hoặc gia đình của anh ấy. Tôi nghĩ là anh trai của Sỹ (đang công tác trong lực lượng không quân) cũng có thể có sáng kiến hay để tìm được người lính ấy?...”.

Bức thư được chuyển đến Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình. Đại tá Lương Tiến Đại có ý nhờ và tôi đã gắng kết nối với một số bạn bè. Các giáo sư cựu chiến binh Nguyễn Hùng Vỹ, Phạm Thành Hưng ở khoa Văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã khoanh vùng định vị được khu vực đơn vị của người lính trên đây. Tháng 5.2010, tôi được cùng Hội Cựu chiến binh Quảng Bình đi ngang Trường  Sơn qua Lào. Trên đường  12A, giữa núi non trùng điệp, chúng tôi cũng không sao xác định được điểm cao nào người lính trong bức thư của đại tá Dykeld đã miêu tả. Vả chăng, đất nước chiến tranh 30 năm, có biết bao nhiêu người lính đã xả thân không chút tính toán. Thật khó mà kể hết công lao và tìm gặp được họ, trong khi chiến công của họ vẫn lấp lánh trong ký ức người đời và cả trong sự kính trọng của đối phương. Và biết đâu, người lính ấy đã hy sinh trong những trận đánh sau đó. Hãy để họ yên nghỉ hoặc sống bình lặng như những công dân Việt Nam bình thường sau khi  đã hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Dù sao cũng cần biết rằng, các tọa độ mà viên đại tá Mỹ cung cấp đúng là đều nằm ở phía đông đường Hồ Chí Minh qua Lào, chính là đường 12A từ Ba Đồn lên Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quy Đạt, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời, Mụ Giạ qua Lùm Bùm… vòng về miền Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại, tuyến đường này đã hứng chịu hàng chục vạn tấn bom đạn của không quân Mỹ. Nơi đây có tiểu đoàn pháo cao xạ 37 li mang tên người anh hùng Nguyễn Viết Xuân bảo vệ, có tiểu đoàn Thanh niên xung phong N79 và công nhân đảm bảo giao thông với những hy sinh mất mát rất lớn. Chính trên tuyến đường này đã diễn ra trận bom B52 làm một nửa quả đồi taluy dương sạt xuống vùi lấp một tiểu đội Thanh niên xung phong, mà do yêu cầu nhiệm vụ, khi chưa tìm hết thi hài vẫn phải san đường lấp lại cho xe ra trận. Lịch sử ghi danh là “Khúc tráng ca đồi 37".

Tôi viết lại câu chuyện này hy vọng các cựu binh đã chiến đấu ở đây liên lạc để có thể giúp đại tá Roger Van Dykeld tìm lại được "đối thủ đáng kính" của mình. (còn tiếp)

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.