Vào năm 2008, cựu binh Mỹ Doc Bernie Duff từng thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt với quãng đường dài hơn 1.700 km để gây quỹ hỗ trợ những trẻ em là nạn nhân chất độc màu da cam. Bản thân ông Doc cũng tiếp xúc với chất độc màu da cam thời chiến tranh dẫn đến bị ung thư da và nhiều căn bệnh khác.
Ông Duff chỉ là một trong số hàng trăm cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam thực hiện những hoạt động từ thiện hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Hiện vẫn chưa có thống kê chính thức nào về số cựu binh Mỹ đang sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng ước tính có ít nhất vài trăm người, theo một nghiên cứu của nữ nhà báo Mỹ Nissa Rhee.
‘Tôi từng là kẻ sát nhân ở Việt Nam’
|
“Một số cựu binh Mỹ đã nghỉ hưu, một số là doanh nhân, giáo viên tiếng Anh, hoặc sáng lập những tổ chức phi chính phủ như Vietnam Friendship Village và Project Renew ở Việt Nam. Họ sống khắp nơi ở Việt Nam, từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Nha Trang”, Rhee cho biết.
Kể từ khi đến Việt Nam vào năm 2012, Rhee bắt đầu thực hiện dự án The Return to Vietnam Project (Dự án Trở về Việt Nam), ghi chép lại hành trình những cựu binh Mỹ tìm về chiến trường xưa, sinh sống và làm việc tại Việt Nam để giúp đỡ cựu thù.
“Chiến tranh để lại ký ức không thể quên trong cuộc sống cựu binh, và họ trở về để hồi tưởng những ký ức đó, để hiểu hơn về vị trí của mình trong lịch sử và trên hết là để giúp đỡ. Và họ đã không khỏi ngạc khi người Việt Nam từng xem họ là kẻ thù, giờ đây xem họ như những người bạn”, Rhee nói.
Khi Rhee trở lại Việt Nam vào năm 2013, cựu binh Mỹ Suel Jones từng nói với cô rằng: “Tôi từng là kẻ sát nhân ở đây và tôi đã phải cố tìm hiểu xem tôi là ai với tư cách một con người”.
Lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 1998, khi đang dạo trên một con đường ở TP.HCM, một người đàn ông Việt Nam hỏi ông Jones liệu ông đã từng đến Việt Nam trước đây, và ông lo sợ, rụt rè đáp: “Có. Tôi từng đến đây vào năm 1968”. Người đàn ông hỏi: “Ông từng là kẻ thù?”, và ông Jones đáp: “Tôi là cựu thù”, nhưng rồi người đàn ông này quàng vai ông Jones, nói: “Chào mừng đến Việt Nam”.
Sau khi thăm những khu vực có nhiều nạn nhân của chất độc dioxin mà Mỹ từng rải xuống Việt Nam, ông Jones đã cùng các cựu binh khác tham gia dự án Vietnam Friendship Village (Làng Hữu nghị Việt Nam, tại Hà Nội), chuyên hỗ trợ trẻ em là nạn nhân chất độc màu da cam.
Không giống như Jones, kể từ khi quay lại Việt Năm năm 1998, cựu binh Mỹ Joe Sciacca không lập tổ chức từ thiện, nhưng kêu gọi quyên góp và đích thân đem tiền từ thiện từ Mỹ sang Việt Nam trao tận tay những nạn nhân chiến tranh cùng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Giúp dọn dẹp tàn tích chiến tranh
|
Mỗi cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam làm mỗi việc khác nhau, người thì dạy tiếng Anh, người làm từ thiện giúp nạn nhân chất độc màu da cam, kẻ thì giúp dọn dẹp tàn tích chiến tranh.
“Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt Nam sẽ rất quen thuộc với Chuck Searcy, nhà đồng sáng lập Project Renew ở tỉnh Quảng Trị”, Rhee nói.
Ông Searcy, từng là nhân viên tình báo cho quân đội Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, đã quyết định đến sống ở Việt Nam sau khi thăm Việt Nam vào đầu thập niên 1990 và chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại.
Phối hợp với chính phủ Việt Nam và người dân tỉnh Quảng Trị, ông Searcy bắt đầu dự án Project Renew, với mục tiêu giáo dục trẻ em về mối nguy hại những quả bom chưa nổ còn sót lại từ thời chiến tranh, tháo gỡ và tiêu hủy những quả bom này.
Sau khi tiếp xúc với nhiều cựu binh Mỹ, Rhee nhận ra được vai trò hết sức quan trọng của họ tại Việt Nam ngày nay.
Các cựu binh hiểu rõ điều gì đã xảy ra trong chiến tranh, họ biết được những thách thức mà Việt Nam vẫn phải đối mặt sau chiến tranh, bởi vì chính bản thân họ cũng đang phải vật lộn với những thách thức tương tự, chẳng hạn những di chứng từ chất độc màu da cam và rối loạn stress sau sang chấn hay hậu chấn tâm lý, theo Rhee.
Người dân Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến?
|
Các cựu binh Mỹ có quan điểm khác nhau về chiến tranh Việt Nam. Một số tự hào về những gì họ đã làm trong cuộc chiến, còn những người khác thì phản đối, gọi đây là cuộc chiến vô nghĩa và tham gia những tổ chức phản đối chiến tranh Việt Nam như Veterans for Peace (Những cựu binh vì hòa bình).
“Tôi nghĩ đại đa số cựu binh Mỹ cố không muốn nghĩ về cuộc chiến. Đó là khoảng thời gian đen tối và họ muốn trở về cuộc sống thường nhật khi rời Việt Nam trở về Mỹ”, Rhee nói.
Đến nay, người dân Mỹ vẫn còn nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về chiến tranh Việt Nam. Hãng khảo sát Gallup hồi năm 2013 từng công bố kết quả khảo sát cho thấy 57% dân Mỹ từ độ tuổi 50 trở lên nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam là sai lầm. Trong khi đó, có 51% người Mỹ dưới 50 tuổi nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam không phải là một sai lầm, có lẽ bởi vì họ không hề có ký ức cá nhân nào về cuộc chiến này, theo Gallup.
“Rõ ràng những người Mỹ sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc khó mà hiểu hết về cuộc chiến. Năm nay tôi 32 tuổi và tôi có thể nói rằng trước đây mình biết rất ít về chiến tranh Việt Nam. Trường học chẳng dạy gì nhiều về chiến tranh Việt Nam. Nguồn cảm hứng tiến hành dự án The Return to Vietnam Project là để hiểu hơn về lịch sử và những bài học người Mỹ có thể rút ra được từ cuộc chiến Việt Nam”, Rhee chia sẻ.
|
Một số chính trị gia Mỹ thường so sánh cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan với chiến tranh Việt Nam, nhưng hiện vẫn không rõ họ đang cố rút ra bài học gì từ Việt Nam, theo Rhee.
“Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng Iraq và Afghanistan sẽ phải đối mặt với những thách thức tái kiến thiết hậu chiến giống như Việt Nam từng trải qua. Và có nhiều cựu binh Mỹ từng tham gia các cuộc chiến đã quay lại những quốc gia này để xem có thể giúp được gì”, Rhee cho biết.
Thông qua The Return to Vietnam Project, Rhee đang nỗ lực hoàn tất quyển sách kể về hành trình những cựu binh quay lại giúp đỡ Việt Nam sau chiến tranh.
Bình luận (0)