Truyền năng lượng cho người trẻ
Ông Song kể năm 1960 ông đăng ký nhập ngũ làm bộ đội chủ lực Quân khu 9. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông lưu giữ nhiều kỷ niệm hào hùng và bi tráng. Năm 1989, ông rời đơn vị về nhà nghỉ hưu với cấp hàm đại tá, sau đó được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh.
Ông Song dành thời gian nghỉ hưu đi vá đường tình nguyện |
Đi trên đường làng, ông Song phấn khởi vì quê hương ngày một đổi mới. Tuy nhiên, một số tuyến đường bê tông nông thôn xuống cấp khiến ông trăn trở. Nghĩ việc vá đường là cần thiết cho người dân và các em học sinh, từ đây, ông bắt đầu thực hiện bằng lương hưu của mình.
Ông Song nhận được nhiều sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là người vợ (bà Huỳnh Thị Đen, 76 tuổi) từng làm giao liên trong thời chiến. Thời gian đầu, ông Song vá đường một mình, nhưng đến nay, nhiều cánh tay thích làm thiện nguyện đã đồng hành cùng ông. Năm 2016, ông Song ra mắt đội vá đường tình nguyện với 12 thành viên chủ chốt. Các thành viên trong đội phần lớn là nông dân U.60, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi.
Giúp người dân đi lại, lao động - sản xuất thuận lợi là niềm vui của người cựu chiến binh |
THANH DUY |
Cảm phục lối sống đẹp của người cựu chiến binh, ông Bùi Minh Cương (48 tuổi) tự nguyện đăng ký vào đội làm việc không công, dù công việc ruộng vườn có nhiều bận rộn. “Có hôm thấy chú Song đội nón tai bèo, lom khom vá đường một mình giữa trưa nắng, tôi rất cảm phục tinh thần sống vì cộng đồng của chú. Chú truyền cho tôi nguồn năng lượng rất tích cực, đúng là không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền mà thôi”, ông Cương bày tỏ.
Khắc tinh của ổ voi, ổ gà
Miệt mài vá đường tình nguyện hơn 33 năm qua, ông Song được người dân địa phương xem là “khắc tinh” của các loại ổ voi, ổ gà. Bởi lẽ, cứ gặp đoạn đường nào xuống cấp (hoặc người dân phản ánh) là ông huy động lực lượng đến xóa ngay. Nhiều năm trước, đội vá đường bằng xi măng, nhưng hiệu quả không lâu dài. Gần đây, các thành viên mua đá cào (đá đổ nhựa đường) để “chữa lành” những con đường hư hỏng.
Ông Song cho biết cách làm trên đạt chất lượng hơn nhưng bù lại nhọc công, phải làm sạch chỗ vá, xịt dầu, đổ đá, xịt lớp dầu thứ 2, làm phẳng. Công việc chỉ thực hiện được vào những ngày nắng. “Công đoạn nào tôi cũng làm được hết. Trước đây, công đoạn làm phẳng mặt đường toàn lấy búa đập. Vừa qua có một nhà hảo tâm cho máy đầm nên chúng tôi đỡ vất vả hơn”, ông Song chia sẻ.
Ngoài vá đường, ông Song còn cùng đội tình nguyện phát quang cỏ dại, cắt tỉa cây xanh, dọn rác khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, đội của ông đã sửa chữa gần 30 cây cầu nông thôn bị nghiêng, sụt lún. Để tiến hành công việc, ông đứng ra vận động người dân trực tiếp thụ hưởng quyền lợi công trình đóng kinh phí mua vật liệu, còn các thành viên trong đội bỏ ngày công thực hiện. Làm việc cẩn trọng và có trách nhiệm, ông Song và người dân luôn có sự đồng lòng, đồng thuận với nhau.
Ở tuổi 82, ông Song lấy những phần việc tử tế này làm niềm vui trong cuộc sống. Ông cũng thường trích lương hưu đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ xã Long Thạnh mua quà tặng các hộ nghèo khó, cơ nhỡ, bệnh tật.
Bình luận (0)