Cựu Chủ tịch AIC đang bỏ trốn, bản án 30 năm tù sẽ thi hành ra sao?

04/01/2023 16:56 GMT+7

Dù đang bỏ trốn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn bị xét xử và tuyên phạt 30 năm tù.

Ngày 4.1, TAND TP.Hà Nội tuyên án vụ hối lộ và vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC.

Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên 30 năm tù dù đang bỏ trốn

bộ công an

Vụ án này, 8 trong số 36 bị cáo đang bị truy nã và xét xử vắng mặt. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, bị phạt 30 năm tù về 2 tội "đưa hối lộ" và "vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Nhàn còn phải nộp 103 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù dù đang bỏ trốn

Đến thời điểm hiện tại, bà Nhàn đang bỏ trốn, chưa có thông tin gì về kết quả truy bắt đối với bị cáo. Nhiều người đặt câu hỏi, bản án 30 năm tù (nếu có hiệu lực pháp luật) mà HĐXX đã tuyên sẽ thi hành như thế nào?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, cho rằng nếu bản án mà HĐXX vừa tuyên không bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì sẽ có hiệu lực. Với các bị cáo bị xét xử vắng mặt, tòa án sẽ niêm yết bản án tại nơi cư trú, đồng thời ra quyết định thi hành án.

Sau khi bản án có hiệu lực, công tác truy bắt với những người bỏ trốn vẫn tiếp tục được thực hiện. Khi bị án bị bắt hoặc ra đầu thú sẽ phải chấp hành ngay bản án đã tuyên.

Cụ thể hơn, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, kể từ thời điểm tuyên án, trong vòng 15 ngày nếu không có kháng cáo và 30 ngày không có kháng nghị, bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội sẽ có hiệu lực đối với những bị cáo không có kháng cáo và không có kháng nghị.

Đặt giả thiết bản án có hiệu lực với bà Nhàn và nhóm bị cáo bỏ trốn, TAND TP.Hà Nội sẽ ra quyết định thi hành án theo quy định pháp luật, đồng thời cơ quan chức năng tiếp tục truy nã những người này với tư cách là bị án, để thi hành án.

Nhận định thêm, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói rằng, trong trường hợp bản án có hiệu lực và xác định được bà Nhàn đang ở đâu, cơ quan chức năng Việt Nam có thể đề nghị dẫn độ bị án về nước, nếu giữa hai quốc gia đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp.

Trường hợp biết vị trí của bà Nhàn nhưng hai bên chưa ký hiệp định, việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự sẽ được thực hiện theo nguyên tắc có đi, có lại.

HĐXX tuyên án đối với các bị cáo trong vụ đại án AIC

NGÔ anh

Nhận hối lộ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành lãnh 11 năm tù

Truy tố và xét xử cựu Chủ tịch AIC là hoàn toàn đúng quy định pháp luật

Thông thường, khi bị can bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, trong đại án AIC, 8 bị cáo bị truy nã đều bị đề nghị truy tố, truy tố, xét xử và tuyên án vắng mặt.

Ở phần tranh luận trước đó, một số luật sư cho rằng cần tạm đình chỉ điều tra đối với những người này, nhưng đại diện Viện KSND TP.Hà Nội lập tức bác bỏ.

Theo kiểm sát viên, bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu chưa xác định được bị can/bị cáo hoặc không biết rõ bị can/bị cáo đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử thì có thể tạm đình chỉ vụ án.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo, việc tạm đình chỉ phải đảm bảo điều kiện không ảnh hưởng đến tất cả các bị can, bị cáo khác. Ngược lại, nếu lý do tạm đình chỉ ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả bị can, bị cáo trong vụ án, cơ quan tố tụng có thể không tạm đình chỉ.

Đối chiếu với vụ đại án AIC, bà Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu trong hành vi vi phạm quy định đấu thầu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai. Không chỉ bà Nhàn, 7 bị cáo bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án.

Chính vì vậy, nếu tạm đình chỉ đối với 8 bị cáo nêu trên sẽ ảnh hưởng đến vụ án. Cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố, truy tố và xét xử là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Việc này còn nhằm đảm bảo công bằng cho các bị cáo khác trong cùng vụ án.

8 bị cáo bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt

Ngoài bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù, bị cáo Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị tuyên 25 năm tù cùng về 2 tội "đưa hối lộ" và "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

6 bị cáo còn lại đều bị tuyên phạm tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong đó, bị cáo Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng Công ty AIC, bị tuyên phạt 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen, cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường, bị tuyên phạt 30 tháng tháng tù; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty MOPHA, bị tuyên án 4 năm tù.

Bị cáo Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty nha khoa Việt Tiên, lĩnh án 4 năm tù; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, bị tuyên án 30 tháng tù; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa, bị tuyên án 5 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.