Chiều 11.7, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Nguyễn Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội, và Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội, trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội năm 2016.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa |
trần cường |
Trong phần trình bày trước tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung dành hơn 1 tiếng tóm tắt nội dung kêu oan được viết trong bản giải trình dài gần 60 trang gửi tòa trước khi phiên phúc thẩm diễn ra.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tiếp tục phủ định cáo buộc đã gọi điện thoại chỉ đạo ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT, đình chỉ mở gói thầu số hóa quản lý doanh nghiệp, kéo dài thời gian, tạo điều kiện để Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) dự thầu và trúng 2 gói thầu vào các năm 2016 và 2017.
Ngoài ra, bị cáo Chung cho biết, sau phiên sơ thẩm, bị cáo này đã yêu cầu được nghe lại lời khai của ông Tứ từ luật sư, vì trong phiên sơ thẩm bị cáo bị cách ly khỏi phần trả lời chất vấn của ông Tứ.
Theo ông Chung, sau khi nghe lời khai, bị cáo này đã đối chiếu và thấy cơ bản trùng khớp, chỉ phát hiện lệch về lý do dừng thầu.
“Anh Tứ nói anh ấy dừng thầu là do tôi đề nghị đưa công nghệ scan mới ưu việt hơn của Nga vào. Nhưng tôi khẳng định lúc đó tôi chưa hề biết hay đề cập đến công nghệ này, mà phải 2 tháng sau, tức 14.8.2016, tôi mới biết và đề cập. Anh Tứ khai như vậy tôi không chấp nhận”, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.
Ông Nguyễn Đức Chung nộp gần 100 bằng khen, bệnh án trước phiên phúc thẩm |
Bị cáo Nguyễn Đức Chung phủ nhận cáo buộc “dọn đường, tạo điều kiện” để Công ty Nhật Cường được dự thầu. Bị cáo Chung cho biết nguyên nhân chỉ đạo dừng mở thầu là do hồ sơ mời thầu của sở KH-ĐT Hà Nội chưa đạt yêu cầu.
“Thực tế trước đó đã rất nhiều lần tôi yêu cầu sở này phải dừng các dự án về công nghệ thông tin chứ không phải đến khi đó tôi mới yêu cầu ông Tứ dừng mở thầu”, bị cáo Chung khẳng định.
Theo bị cáo, trong cuộc họp ngày 18.2.2016 chỉ đạo công nghệ thông tin của thành phố, trước khi mở thầu, bị cáo yêu cầu kết quả của việc số hóa phải đạt được hai yêu cầu, một là tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hà Nội. Yêu cầu thứ hai là toàn bộ dữ liệu phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của Hà Nội. Tuy nhiên, khi bị cáo Chung gọi điện cho ông Tứ thì nhận được câu trả lời chưa bổ sung hai nội dung này vào hồ sơ mời thầu.
“Đây mới chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi yêu cầu anh Tứ phải đình chỉ mời thầu vào sáng ngày 16.5.2016, chứ không phải tôi dọn đường cho ai”, bị cáo Chung nói và cho biết bản thân không ngoan cố, chỉ mong HĐXX xem xét đúng bản chất, cân nhắc công, tội mà đối xử với mình bình đẳng như những người khác trước pháp luật.
Đây là lần thứ 5 cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa. Trước đó, ngày 11.12.2020, TAND TP.Hà Nội xét xử và tuyên án sơ thẩm ông Chung 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường) cùng một số đơn vị liên quan.
Ngày 13.12.2021, TAND TP.Hà Nội tuyên ông Chung 8 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với cáo buộc để công ty gia đình mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho thành phố, gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngày 22.6 vừa qua, tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận sửa một phần án sơ thẩm, giảm cho ông Chung 3 năm tù.
Trong vụ án thứ 3, ngày 31.12.2021, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lãnh thêm 3 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với cáo buộc tạo lợi thế cho Nhật Cường trúng thầu trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội năm 2016. Sau khi nhận án sơ thẩm, ông Chung đã có đơn kháng cáo.
Bình luận (0)