Ngày 15.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị mức án dành cho bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho SCB, tại giai đoạn 1.
Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh: tội tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù) và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 - 18 năm tù, sơ thẩm là 20 năm tù) và bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỉ đồng.
Viện kiểm sát cũng đề nghị tòa bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, y án tù chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi).
Vụ án Trương Mỹ Lan: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn không được đề nghị giảm án
Bị cáo Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra tại SCB, đã 4 lần nhận tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, Tổng giám đốc SCB). Tổng số tiền bị cáo Nhàn đã nhận là 5,2 triệu USD. Theo kết quả điều tra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới đưa ra kết quả thanh tra không khách quan, chính xác, gây thiệt hại 514.000 tỉ đồng, dư nợ gốc là 395.000 tỉ đồng, lãi phát sinh 118.000 tỉ đồng. Do đó, bị cáo Nhàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với mức hình phạt nghiêm khắc.
Hành vi tham nhũng với số tiền đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tiếp tục hành vi sai phạm, gây mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng lớn đến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. "Phải xử phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn hình phạt thật nghiêm khắc để răn đe", Viện kiểm sát nêu.
Cũng theo Viện kiểm sát, tòa án sơ thẩm quy kết bị cáo tội nhận hối lộ, có cân nhắc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội này lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng do trước sơ thẩm bị cáo đã chủ động nộp lại 2/3 tài sản nên được giảm còn mức án chung thân. Song sau phiên tòa phúc thẩm, xét thấy chưa đủ cơ sở để giảm nhẹ thêm hình phạt nên đề nghị tòa giữ nguyên mức án chung thân.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm phạt tù chung thân tội nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD để bao che sai phạm tại SCB. Tòa tịch thu 4,8 triệu USD đã thu của bị cáo và buộc phải nộp tiếp 400.000 USD để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Buộc bị cáo Nhàn phải nộp phạt số tiền là 100 triệu đồng.
Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng bị cáo và 1 người khác, 10 sổ tiết kiệm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhàn đã trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ mới để mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng đã nộp lại 100% số tiền nhận hối lộ và nộp phạt 100 triệu đồng. Đồng thời, gia đình bị cáo cũng có đóng thêm 500 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, bị cáo còn có nhiều đóng góp chăm sóc, ổn định cuộc sống cho nạn nhân chất độc da cam ở xã Tân Học, tỉnh Thái Bình; chủ động kêu gọi, đóng góp xây dựng trường học, nhà ăn, nhà vệ sinh cho trường cấp 1, 2 ở tỉnh này. Gia đình bị cáo cũng hiến rất nhiều đất để xây dựng cầu đường trong phong trào nông thôn mới.
Theo tòa sơ thẩm, quá trình thanh tra, Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra tại SCB. Đồng thời, bị cáo chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD.
Từ đó, Đỗ Thị Nhàn che giấu, báo cáo không trung thực các sai phạm của SCB, để ngân hàng này không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện được tái cơ cấu. Việc này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút và sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân hàng này.
Điểm đáng chú ý trong vụ án, ngoại trừ bị cáo Nhàn bị xử lý tội nhận hối lộ (có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình), 16 thành viên trong đoàn cũng nhận tiền nhưng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt thấp hơn (từ 10 - 15 năm tù).
Theo đó, đối với nhóm các bị cáo của cơ quan nhà nước, trong đoàn thanh tra tại SCB, tòa sơ thẩm phạt Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) 11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng về tội danh với bị cáo Hưng, còn có 15 bị cáo bị phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù.
Bình luận (0)