Cựu đại sứ Mỹ và âm mưu lật đổ ông Duterte

28/12/2016 11:07 GMT+7

Cựu đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg bị cáo buộc đã vạch ra bản kế hoạch công phu nhằm lật đổ Tổng thống Rodrigo Duterte.

Báo The Manila Times ngày 27.12 gây xôn xao khi tung ra tài liệu bị cho là do ông Goldberg soạn thảo nhằm mục đích từng bước phá hoại và lật đổ Tổng thống Duterte. Tờ báo tuyên bố hồ sơ này do nguồn tin cấp cao trong chính quyền và giới tình báo cung cấp nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Ông Goldberg vừa chấm dứt nhiệm kỳ đại sứ Mỹ tại Philippines hồi tháng 11. Trong khi đó, tân Đại sứ Sung Kim được kỳ vọng sẽ góp phần giúp quan hệ Washington - Manila khởi sắc trở lại dưới thời tổng thống mới sau giai đoạn vô cùng căng thẳng vừa qua.
Theo tài liệu của The Manila Times, kế hoạch đưa ra thời gian thực hiện trong vòng một năm rưỡi và “các nhân tố đối lập sẽ cần tất cả các vũ khí chính trị để thay thế chế độ của ông Duterte dù đây sẽ là thách thức lớn”. Tài liệu cũng phân tích về “những yếu kém” của Tổng thống Philippines và cho rằng nhà lãnh đạo này “không có người bạn thật sự nào”.
“Quan điểm của ông Duterte không dựa trên tư tưởng hay tham vọng cá nhân mà trên chủ nghĩa dân tộc lạc hậu”, hồ sơ viết. Đến nay, Tổng thống Duterte chưa đưa ra phản ứng nào, nhưng trước đó ông từng tuyên bố “có thế lực nước ngoài” đứng sau âm mưu đảo chính, thậm chí ám sát mình.

tin liên quan

Uỷ ban nhân quyền Philippines tiến hành điều tra ông Duterte
Sau khi Cao uỷ nhân quyền LHQ kêu gọi Philippines điều tra Tổng thống Duterte, Uỷ ban nhân quyền nước này đã bắt đầu những bước cần thiết để điều tra về thông tin ông Duterte từng giết người khi còn làm thị trưởng Davao.
Cô lập khỏi ASEAN
Theo The Manila Times, âm mưu lật đổ ông Duterte bao gồm làm suy yếu đồng peso để phá hoại kinh tế cũng như cô lập Philippines trong ASEAN bằng cách gia tăng hỗ trợ quân sự với các thành viên khác kết hợp với gây áp lực để các nước ASEAN giảm giao thương với Philippines.
Kế hoạch đề xuất Mỹ nhấn mạnh với lãnh đạo các thành viên ASEAN và những đối tác bên ngoài như Nhật Bản về “sự mạo hiểm trong giao thương với Philippines”, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực “có cùng quan ngại” về chính quyền ông Duterte. Song song đó là kích động bất mãn của công chúng về những cam kết tranh cử chưa được thực hiện, hỗ trợ các phe nhóm đối lập, chia rẽ nội bộ những người ủng hộ ông Duterte và tạo khoảng cách giữa thượng viện và hạ viện bằng bất đồng về cải cách hiến pháp.
Cụ thể, theo kế hoạch, Mỹ cần tăng cường phơi bày các vụ tham nhũng trong chính quyền Manila, và thông qua những tổ chức viện trợ và dân sự để hỗ trợ tầng lớp bình dân cũng như phe đối lập, xoáy sâu về những cam kết chưa thực hiện của ông Duterte liên quan đến giảm nghèo, nhà ở và giáo dục. Thêm một biện pháp khác là lợi dụng truyền thông “vạch ra sự thật về ông Duterte” với “tầm nhìn sai lầm về người dân Philippines cũng như quan hệ quốc tế nguy hiểm với Trung Quốc và Nga”, The Manila Times dẫn hồ sơ viết.
“Tránh bứt dây động rừng”
Tài liệu lật đổ nhận định tuy Tổng thống Duterte đã giành được sự đồng tình của đa số dân chúng về chính sách truy quét ma túy mạnh tay, nhưng các chương trình kinh tế xã hội của ông “không đem lại kết quả như mong đợi”. “Với quan ngại gia tăng về an ninh xã hội và kinh tế, ông Duterte đang chịu áp lực phải mang lại kết quả cụ thể”, The Manila Times dẫn tài liệu viết.
Cũng trong hồ sơ này, tác giả đề xuất Mỹ tập trung nhiều nguồn lực để “hà hơi” cho nhóm đối lập của Phó tổng thống Leni Robredo, vốn được cho là bao gồm nhiều chức sắc tôn giáo, doanh nhân, tổ chức xã hội dân sự và thanh niên. Bên cạnh đó là tìm hiểu quan điểm của thượng nghị sĩ Ferdinand Bongbong Marcos, con trai nhà độc tài Ferdinand Marcos và là nhân vật nổi bật trong số các đồng minh của Tổng thống Duterte, về thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ, vấn đề Trung Quốc cũng như chuyện nhân quyền.
Tuy nhiên kế hoạch khuyến cáo Washington không nên công khai bày tỏ ủng hộ đối với những nhân vật đang chỉ trích mạnh mẽ ông Duterte như bà Robredo hay cựu Tổng thống Fidel Ramos để tránh bứt dây động rừng.
Kêu gọi điều tra
Cựu đại sứ Goldberg và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa chính thức phản ứng về bản kế hoạch nói trên. Tuy nhiên tờ Inquirer ngày 27.12 dẫn lời phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Ernesto Abella cho biết: “Tôi đã được thông báo rằng Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ mọi dính líu liên quan đến thông tin có âm mưu gây bất ổn cho chính phủ”. Ông cũng khẳng định Tổng thống Duterte vẫn được đại đa số dân chúng ủng hộ nên những kẻ âm mưu đảo chính sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez kêu gọi tiến hành điều tra rốt ráo vụ việc. “Nếu tin này là sự thật thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng không những đối với sự ổn định chính trị mà cả kinh tế và xã hội của chúng ta”, ông phát biểu.
Trước đây, ông Goldberg từng chỉ trích nhằm vào một số phát ngôn gây tranh cãi của ông Duterte trong quá trình vận động tranh cử tổng thống. Sau đó, nhà lãnh đạo này cáo buộc đại sứ Mỹ “can thiệp nội bộ Philippines” và gọi ông là “kẻ đồng bóng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.